Không nên hoang mang vì dự án thành phố hai bên sông Hồng

Thứ Tư, 20/02/2008, 08:23
Hơn 170 ngàn dân sinh sống ven sông Hồng hết sức hoang mang khi hay tin sắp phải di dời để quy hoạch thành phố hai bên sông với số tiền khổng lồ gần 10 tỷ USD. Sự thực thì cái tên dự án lập "Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội" mới chỉ là bước nghiên cứu khoa học làm cơ sở đề xuất lập dự án như kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội.

Nhưng cái đáng bàn không chỉ là vấn đề trị thủy sông Hồng, nhiều vấn đề rất lớn xoay quanh đề án này chưa được đề cập thấu đáo mà Báo CAND xin ngỏ cùng bạn đọc.

Thời điểm thuận, nhưng cách làm chưa hay

Hầu hết các chuyên gia kiến trúc xây dựng, thủy văn, môi trường... có hiểu biết về sông Hồng đều nhận xét đây là thời điểm hội đủ các yếu tố quy hoạch trị thủy sông Hồng, phát triển đô thị.

Bởi lẽ, chúng ta đã có Luật Đê điều nên việc quy hoạch phát triển đô thị không còn vướng hành lang thoát lũ như Pháp lệnh Đê điều trước đây; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 92 phê duyệt toàn bộ hệ thống quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình có liên quan nhiều tỉnh, thành trong đó có Hà Nội; hơn 10.600ha quỹ đất được tạo ra là nguồn lực lớn đầu tư cho dự án.

Đặc biệt, trên 170 ngàn người dân sinh sống ven sông nhiều năm qua gây nhức nhối về xây dựng, dòng chảy, môi trường ngày càng lớn buộc phải tính đến giải pháp lâu dài...

Chính vì thế, tháng 5/2006, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, UBND TP Hà Nội và chính quyền TP Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu "Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội".

Tuy nhiên, khi báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện dự án này trước HĐND thành phố để xin ý kiến, mới vỡ lẽ còn nhiều vấn đề chưa thấu. Trước hết, là tên của dự án.

Tiến sĩ Trần Trọng Hanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc cho rằng: Tên dự án lập quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng lập tức gây tâm lý lo lắng cho hơn 170 ngàn dân đang sinh sống nơi đây.

Nếu dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu khoa học thì ghi là nghiên cứu, có tên đề tài chứ tại sao lại nói là quy hoạch cơ bản. Quan trọng hơn là phải có Hội đồng khoa học đủ khả năng để nghiệm thu đề tài đó.

Tiến sĩ Hanh nhấn mạnh: Đây không phải là câu chữ, mà là xác định trách nhiệm của những tác giả trước một dự án tầm cỡ như thế. Cho nên cần làm dự án tuân theo quy trình, thể chế thực hiện, trình đúng thẩm quyền phê duyệt mới mang lại hiệu quả. Nếu không, cứ hội thảo, lấy ý kiến mà không tập trung trí tuệ dẫn tới mục tiêu dự án không đạt, hậu quả xảy ra ai chịu trách nhiệm?

Dự án nghiên cứu tầm cỡ này có 3 vấn đề lớn: Trị thủy sông Hồng; quy hoạch không gian hai bên sông và những điều kiện nghiên cứu khả thi như vấn đề di dân, đầu tư tài chính...

Nhưng bài toán trị thủy sông Hồng, vấn đề đầu tiên mang tính cốt tử thì đến nay vẫn chưa có lời giải. Cho dù nhóm nghiên cứu đã tập hợp một số chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi, Đại học Thủy lợi và một số nhà chuyên môn Hàn Quốc. Đó là chưa nói đến những yếu tố lịch sử văn hóa dọc con sông, sự khác biệt về chế độ thủy văn của sông Hồng với nguyên mẫu sông Hàn (Hàn Quốc)...

Sót đề bài làm cơ sở thực hiện dự án

Thời gian qua, nhóm nghiên cứu dự án thành phố hai bên sông đã tiến hành ít nhất là một lần triển lãm lấy ý kiến dân chúng, nhiều lần tổ chức hội thảo các nhà chuyên môn thủy lợi, kiến trúc... về dự án này.

Nhưng khi công khai kết quả nghiên cứu, còn rất đông các kiến trúc sư có tiếng, các nhà lịch sử văn hóa vẫn bất ngờ nói thẳng: Họ chưa được tham khảo ý kiến làm đề bài thực hiện các bước nghiên cứu trước khi hình thành dự án lớn quy hoạch sông Hồng.

Chẳng hạn, việc phải di dời 170 ngàn dân ven sông để thực hiện dự án. Có chuyên gia hiến kế, nếu được góp ý ông sẽ không di dời khối lượng khổng lồ dân cư đó, vì chỉ lập hồ sơ thực hiện đền bù đã mất hàng chục năm, với cả ngàn tỷ đồng tiêu tốn. Cách chuyên gia này đề xuất là cơ bản giữ nguyên lượng dân cư đã sống ổn định, chỉ giải phóng những khu vực cần thiết để làm hạ tầng giao thông, cây xanh, trung tâm thương mại...

Ở một góc độ khác, kiến trúc sư Trần Thanh Vân lại cho rằng dự án thành phố sông Hồng chưa tôn trọng các yếu tố lịch sử, văn hóa lâu đời dọc con sông. Theo mô hình trưng bày, thì vùng "đất thiêng" với nhiều đền thờ các vị Anh hùng dân tộc ven hồ Tây sẽ trở thành cao ốc, những làng nghề truyền thống mấy trăm năm như Nhật Tân, Quảng Bá... sẽ không còn.

Tại phường Bạch Đằng, nơi bãi giữa còn tồn tại đền thờ Hai Bà Trưng gắn với công trạng nổi tiếng của hai Bà sẽ được xử lý thế nào khi thực hiện dự án? Trong báo cáo kết quả nghiên cứu, những người làm dự án khẳng định điều chỉnh dòng chảy sông Hồng sẽ thoát lũ tốt hơn, an toàn đê điều cao hơn... và tôn trọng các di tích lịch sử - văn hóa.

Nhưng đến nay, họ chưa đưa ra được các phương án cụ thể nhằm bảo tồn các di tích lịch sử cũng như những giải pháp hữu hiệu chứng minh cho việc chinh phục dòng sông.

Bởi thế, hầu hết các chuyên gia thủy lợi, các nhà lịch sử, văn hóa, chuyên gia đê điều và nhân dân khi được hỏi đều tỏ thái độ đồng tình với TP Hà Nội mạnh dạn nghiên cứu dự án, tạo điểm nhấn đánh dấu thời kỳ phát triển rực rỡ của Thủ đô.

Nhưng đây là dự án chưa có tiền lệ, không được phép thực hiện bản nháp quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng vì tính chất quan trọng của nó. Vì thế, hầu hết ý kiến cho rằng cần lấy ý kiến các nhà chuyên môn và nhân dân theo một quy trình chặt chẽ để tập trung trí tuệ. Cần thiết, khi có nhiều vấn đề nảy sinh chưa ngã ngũ, có thể tổ chức tranh biện công khai trước khi quyết định một dự án lớn

Thanh Phong
.
.
.