Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang báo cáo trước Quốc hội:

Không để tội phạm tài chính, ngân hàng gây hậu quả xấu

Thứ Ba, 23/10/2012, 00:19
Cho rằng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, chức vụ đang diễn biến phức tạp, tại phiên họp Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang khẳng định, mục tiêu thời gian tới là chủ động nắm chắc tình hình, “không để tội phạm, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy... gia tăng, gây hậu quả xấu đến an ninh, trật tự”.

Vấn đề này được khẳng định trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, năm 2012, các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá, tuyên truyền, tác động nhằm gây chia rẽ nội bộ. Trong khi đó, tội phạm về trật tự xã hội tuy được kiềm chế, một số án giảm, nhưng nhiều loại tăng, có sự câu kết, đan xen giữa tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế. Số vụ chống người thi hành công vụ tăng, trong đó chống Công an tăng 21,7%. Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nền kinh tế, phát hiện nhiều vụ giá trị chiếm đoạt lớn với các thủ đoạn tinh vi...

Nguyên nhân của tình hình trên, theo Bộ trưởng, về khách quan do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động dôi dư, tình trạng thất nghiệp tăng. Cùng với đó, số vụ vỡ nợ tín dụng đen gia tăng là nguyên nhân hình thành các băng nhóm đòi nợ thuê, xiết nợ, bắt giữ người trái pháp luật. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội của bộ phận nhân dân đáng báo động, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá phức tạp... Về chủ quan, công tác quản lý nhà nước về vấn đề này còn những hạn chế, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhất là quy định về giám định tài sản thiệt hại trong các vụ án tham nhũng...

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang với các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: PV.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an thực hiện 9 giải pháp về phòng, chống tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Tập trung chỉ đạo chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm môi trường, phát hiện 891 vụ với 1.936 đối tượng vi phạm pháp luật về tham nhũng, chức vụ, tăng 189,2% số vụ và 200% số đối tượng so với năm 2011.

Đáng chú ý, đã tiếp tục khởi tố một số vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinashin, như vụ cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần container quốc tế tại Hải Dương, thuộc Vinashin; vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái tại Vinalines; vụ Nguyễn Đức Kiên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và đồng phạm cùng Trần Xuân Giá phạm tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, CQĐT của Bộ đã truy bắt được bị can Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines bỏ trốn...

Chất lượng điều tra, xử lý tội phạm được nâng lên, số vụ phạm tội phát hiện và khởi tố trên tất cả các lĩnh vực đều tăng so với năm 2011. “Điều đó cho thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các lực lượng chức năng và sự tham gia, giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân” - Bộ trưởng khẳng định. CQĐT cũng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm, hạn chế các trường hợp oan, sai, phải gia hạn điều tra. Số bị can, số vụ tạm đình chỉ điều tra giảm. Công tác bắt, vận động đối tượng truy nã đầu thú đạt kết quả cao, số đối tượng truy nã đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại tăng 10,7%. Kết quả công tác nói trên đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả phát t riển kinh tế, xã hội đất nước...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận rõ những tồn tại như việc điều tra, xử lý tội phạm môi trường, tham nhũng, tài chính, ngân hàng còn gặp khó khăn. Tiến độ điều tra một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận quan tâm còn chậm, nhiều vụ điều tra lại nhiều lần, kéo dài... Trong các nguyên nhân khiến công tác điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài, theo Bộ trưởng, “chủ yếu do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành và quy định của pháp luật về giám định tài sản, tài chính... còn nhiều bất cập, việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số vụ án chưa có sự thống nhất cao”.

Năm 2013, Chính phủ dự báo tình hình tội phạm còn gia tăng và phức tạp, nhất là tội phạm chống người thi hành công vụ, xâm phạm sở hữu, tội phạm hoạt động theo băng nhóm xiết nợ, đòi nợ thuê, tội phạm kinh tế, tham nhũng... Chính phủ xác định mục tiêu phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013 là: Chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Không để tội phạm, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy... gia tăng, gây hậu quả xấu đến an ninh, trật tự...

Trong các giải pháp đề ra, sẽ tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ, phương tiện, điều kiện làm việc cho các ngành tư pháp, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Đồng thời, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đang là nguyên nhân phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm. Tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo ban hành, bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, tập trung vào các lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân...

Đăng Minh
.
.
.