Không dễ tăng giá xăng

Thứ Ba, 08/01/2008, 10:36
Theo các chuyên gia đàm phán giá xăng dầu của Petrolimex, nếu những lô xăng dầu được mua tại thời điểm 3/1/2008 thì cả tháng sau hàng mới về đến cảng, rồi nhập kho, đưa ra phân phối nhanh thì cũng mất thêm chừng đó thời gian. Mua ở thời điểm này, bán thời điểm khác, nên mới có chuyện có lô hàng thì lãi quá cao, có lô hàng thì lại lỗ chổng vó.
>> Sẽ tính đến việc dự trữ xăng dầu quốc gia

Như CAND đã phản ánh, sau khi giá dầu thế giới chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 3/1, đã xuất hiện tin tồn về việc tăng giá xăng lên 17.000 đồng/lít và chiều ngày 4/1 rất đông người dân đã đổ xô đi mua tích trữ xăng gây nên tình trạng hỗn loạn, tắc nghẽn tại nhiều cây xăng.

Tăng giá xăng lập tức theo hiệu ứng tăng giá dầu thế giới là việc không thể xảy ra, nhưng hiệu ứng tin đồn về việc tăng giá xăng vừa qua cho thấy rất nhiều người dân không biết việc tăng giá mặt hàng xăng dầu phải đáp ứng những điều kiện nhất định và phải theo một quy trình kéo dài hàng tháng.

Do vậy, trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin liên quan để bạn đọc có thể hiểu hơn về vấn đề này, tránh mắc phải những tin đồn về sau.

Tăng ngay theo giá thế giới là điều không thể

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có những lít xăng, dầu bán lẻ tại các cây xăng vào những ngày đầu tháng 1/2008 này thì các đầu mối nhập khẩu xăng dầu như Petrolimex, Vinapco… phải mua theo phương thức thoả thuận hoặc đấu giá từ cả quý trước, thậm chí trước cả vài quý, chứ không phải là trước đó vài ngày hay chỉ nội trong tháng 12/2007.

Các lô xăng, dầu hàng triệu, chục triệu lít thường được mua theo kiểu gối đầu để đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Các chuyên gia đàm phán giá xăng dầu của Petrolimex cho biết, nếu những lô xăng dầu được mua tại thời điểm ngày 3/1/2008 thì cả tháng sau hàng mới về đến cảng, rồi nhập kho, đưa ra phân phối nhanh thì cũng mất thêm chừng đó thời gian.

Mua ở thời điểm này, bán ở thời điểm khác, nên mới có chuyện có lô hàng thì lãi quá cao vì mua được giá thấp, bán được giá cao, có lô hàng thì lại lỗ chổng vó.

Tất nhiên, ở Việt Nam việc kinh doanh xăng dầu phải gối đầu liên tục để đảm bảo nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thị trường nên không thể lựa chọn giá thấp mới mua, giá cao thì không mua, nhưng điều này cho thấy việc lấy mốc giá nào đó như lấy giá đỉnh 100 USD/thùng dầu ngày 3/1/2008 để tính phiên ra giá xăng trong nước sẽ là 17.000đ/lít và tung tin rằng giá xăng bán lẻ sẽ được điều chỉnh tăng theo mức trên là hoàn toàn không có căn cứ.

Hơn nữa, việc điều chỉnh tăng giá không chỉ căn cứ vào sự tăng giá đột biến một hai phiên, mà phải có cả quá trình liên tục hình thành một mức giá bình quân mới.

Quy trình được Bộ Tài chính và Bộ Công thương lâu nay áp dụng là theo dõi biến động giá (tăng hoặc giảm) trong chu kỳ 20 ngày liên tiếp, nếu mức tăng hoặc giảm trung bình vượt quá biên độ cho phép thì mới tính đến biện pháp tăng, giảm giá hoặc tăng giảm thuế.

Đợt tăng giá bán lẻ xăng gần nhất thêm 1.700đ/lít vào ngày 22/11/2007 cũng phải tuân theo quy trình này, với sự tính toán kỹ lưỡng về những tác động lên mặt bằng giá cả chung của thị trường. Bên cạnh đó là lượng dự trữ xăng dầu nhất định của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ góp phần bình ổn giá trong nước, giảm bớt được áp lực từ những bất ổn ở thị trường quốc tế.

Một nguyên nhân khác góp phần gây tâm lý hoang mang cho người dân là thông tin từ năm 2008 Nhà nước sẽ điều hành mặt hàng xăng dầu theo cơ chế thị trường, như vậy những tính toán bi quan cho rằng giá sẽ lên ngang bằng với mức giá các nước xung quanh, có thể lên đến 17.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đây cũng là những tính toán rất vội vàng.

Một điều chắc chắn rằng, trong năm 2008 Nhà nước sẽ không tiếp tục bù lỗ cho mặt hàng này, nhưng cũng không để bỏ mặc trôi nổi theo thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, quan điểm của Nhà nước là sẽ dần thực hiện một lộ trình thị trường đối với giá cả nhiều mặt hàng trong đó có xăng dầu... để đảm bảo lợi ích dài hạn của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu phải có lộ trình và phải quan tâm đến đời sống người dân. Bởi vậy, phải tính toán phù hợp trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Sẽ sớm có quỹ bình ổn giá xăng dầu

Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng đang thảo luận những nội dung của đề án do Bộ Tài chính xây dựng về điều hành giá bán lẻ xăng, dầu mới và xây dựng một quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Đây được kỳ vọng là một cơ chế mới đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, Nhà nước và toàn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Ý tưởng của Bộ Tài chính là sau này doanh nghiệp không phải cứ mỗi lần biến động giá của thị trường lại điều chỉnh tăng hay điều chỉnh giảm, như thế rất bị động cho nền kinh tế. Cho nên cần phải có lộ trình theo một thời gian nhất định, ví dụ như một quý hoặc 6 tháng điều chỉnh một lần.

Vậy thì Nhà nước sẽ tạo cho doanh nghiệp một cơ chế như Quỹ bình ổn giá chẳng hạn, khi giá lên doanh nghiệp lấy quỹ đó để bù, khi giá xuống mà chưa điều chỉnh giá bán thì doanh nghiệp có chênh lệch, vậy phải lấy phần chênh lệch đó đưa vào Quỹ.

Hiện đề án của Bộ Tài chính đang được các Bộ, ngành và doanh nghiệp rất ủng hộ. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết ông rất tin tưởng đề án này khi hoàn thiện và được đưa ra thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực đến bình ổn thị trường xăng, dầu.

Nghĩa là đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tiếp tục kinh doanh hiệu quả, không quá bị lỗ; giá cả được ổn định trong một thời gian tương đối để không tác động lớn đến đời sống người dân.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, điều này phù hợp với chủ trương thị trường hóa giá cả các mặt hàng quan trọng của Chính phủ, đồng thời đáp ứng yêu cầu ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Với đề án mới này, các doanh nghiệp sẽ chủ động hoàn toàn về giá theo đúng chủ trương của Chính phủ là phải triển khai cơ chế thị trường đối với giá cả. Doanh nghiệp sẽ lấy một phần lợi nhuận khi kinh doanh để nộp vào hình thành quỹ. Khi giá dầu thế giới tăng, quỹ sẽ chi ra để bù lỗ cho doanh nghiệp nhằm ổn định giá định hướng cho cả năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú thì cơ chế điều chỉnh giá cũng đảm bảo công khai, minh bạch không gây hoang mang, bị động cho người dân

Đ.Tuấn
.
.
.