Không để tái diễn ‘bong bóng bất động sản’

Thứ Ba, 30/06/2015, 07:56
“Bất động sản ấm lên là tốt nhưng Bộ Xây dựng cần lưu ý không để lặp lại bong bóng bất động sản như từng xảy ra” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý khi đánh giá tình hình bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên.

Nội dung này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại phiên họp trực tuyến ngày 29/6 của Chính phủ với các địa phương.

Đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế đạt nhiều chỉ số tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn, quý 2 cao hơn quý 1, trong đó 6 tháng tăng trưởng 6,28%, là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, khó khăn nổi lên là nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ, nhập siêu tăng. Ngay cả du lịch cũng giảm dù ngành Du lịch đã có nhiều chính sách khuyến khích. “Du lịch là tiềm năng lợi thế của nước ta. Tôi mới đi Myamar, thấy rằng năm nay họ thu hút khách quốc tế đến khá mà Việt Nam chỉ 7 triệu khách thì không được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Đây là chỗ giải quyết việc làm, đời sống nhân dân. Một người làm việc trong khu vực du lịch và một người làm việc dệt may da giày, nông nghiệp thì ai thu nhập cao hơn? Phải cố gắng phát triển ngành Du lịch, tháng rồi thảo luận nhưng tới tháng này vẫn chưa thấy chuyển biến gì” – Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cũng cho rằng, tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, trong khi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Do đó, phải rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, cái gì không phù hợp thì sửa, bỏ, như Bộ Tài chính ban hành 1 thông tư mà giảm được 30-40 giờ nộp thuế thì rất đáng khuyến khích.

Chiến lược nhà ở quốc gia sẽ khắc phục hiện tượng “bong bóng bất động sản”.

Việc gì đã quy định trong giấy tờ văn bản pháp quy thì phải bỏ đi những gì không còn phù hợp. Đi liền với đó là đạo đức nghề nghiệp. “Phản ánh từ địa phương cho thấy, gặp bộ trưởng được trao đổi tận tình, nhưng có nơi từ thứ trưởng trở xuống lại có vấn đề. Có đồng chí thứ trưởng dân gặp là sợ. Phải thay đổi, tôi nghe phản ánh từ địa phương mà thấy sốt ruột. Có quy định cải cách rồi nhưng không muốn làm thì lại đặt ra đủ thứ lý do, nào đi vắng, đi họp, cái đó là không được” – Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng cũng lưu ý tập trung đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng nhái bởi vấn đề này còn nghiêm trọng. “Như Bộ trưởng Y tế phản ánh, bắt tại một kho mà có tới 20 tấn thực phẩm chức năng giả thì biết bao người dân chịu ảnh hưởng? Phải thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ về kinh tế mà vấn đề là sức khoẻ người dân để xử lý kiên quyết” – Thủ tướng yêu cầu.

Cho rằng thị trường bất động sản đã có những khởi sắc, ấm lên, Thủ tướng đánh giá đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải có phương án thích hợp bởi bất động sản ấm lên là tốt nhưng cần cảnh giác không để lặp lại tình trạng “bong bóng bất động sản” như đã từng xảy ra.

Đánh giá về thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, tình hình thị trường 6 tháng đầu năm phục hồi, giao dịch sôi động tại các phân khúc căn hộ nhỏ, vừa, tại các dự án có vị trí phù hợp, dự án của chủ đầu tư uy tín, đặc biệt nhà ở xã hội. 6 tháng đã có 7.500 giao dịch thành công, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Riêng tháng 5 có 1.500 giao dịch, tăng 5% so với cùng kỳ. Giá ổn định và xu hướng hàng tồn kho bất động sản giảm, dư nợ tín dụng tăng, cơ cấu tiếp tục điều chỉnh hợp lý. “Đây là mấu chốt để thị trường bất động sản phục hồi. Khi thị trường này đóng băng, Chính phủ đã đề ra nguyên nhân khắc phục, đề ra chiến lược tháo gỡ khó khăn, trong đó yêu cầu tái cơ cấu thực hiện các dự án bất động sản để phù hợp với nhu cầu người dân” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích.

Hiện, nhà ở xã hội ở nông thôn tiếp tục được thực hiện, nhà ở xã hội đô thị đạt được nhiều kết quả bước đầu, hoàn thành 104 dự án, trong đó 39 dự án với 20.600 căn hộ cho người dân đô thị; 65 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, khu công nghiệp với 20.450 căn hộ… Nhiều dự án nhà ở xã hội lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội đã thực hiện, tuy nhiên nhu cầu nhà ở xã hội lớn, tới thời điểm này đã có trên 1 triệu căn hộ.

Bộ Xây dựng đề nghị cần tập trung phát triển nhà ở xã hội, trong đó đề nghị các địa phương lập chương trình kế hoạch phát triển trong trung, dài hạn; chủ động có quỹ đất cho, lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản để phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán như luật cho phép.

Trong điều kiện thị trường bất động sản đang phục hồi, đề phòng thị trường phát triển không ổn định, nóng trở lại và dẫn tới khủng hoảng, bong bóng như đã từng xảy ra, Bộ Xây dựng tiếp tục kiểm soát chặt, trong đó kiên trì gắn phát triển thị trường bất động sản với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Trước hết là việc thực hiện Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị, trong đó yêu cầu thành lập các khu vực phát triển đô thị, các ban quản lý. Tiếp tục rà soát, phân loại các dự án đã cấp phép, cơ cấu lại các sản phẩm, khắc phục dư thừa và khắc phục lệch pha cung cầu, đảm bảo bất động sản phát triển ổn định...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, cần không ngừng củng cố tiềm lực an ninh - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán với các đối tác, qua đó tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển; không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; chuẩn bị chu đáo, tiến hành tổ chức thành công đại hội đảng các cấp theo tinh thần trang trọng, tiết kiệm...

Đăng Hân
.
.
.