Quốc hội thảo luận dự án Luật khoa học công nghệ (sửa đổi):

Không đánh đồng khoa học, công nghệ với hàng hóa thông thường

Thứ Tư, 21/11/2012, 09:47
Xác định khoa học, công nghệ là mũi nhọn, không đánh đồng với hàng hóa thông thường, việc đầu tư chấp nhận cả thất bại để khởi đầu cho thành công khác... Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại phiên thảo luận dự án Luật Khoa học, công nghệ sửa đổi, chiều 20/11.

Có cơ chế phù hợp, tháo “điểm nghẽn”

“Phải có mũi nhọn ưu tiên cho phát triển khoa học công nghệ”, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) nêu quan điểm. Bà Hạnh cho rằng, dự thảo luật KH-CN sửa đổi nhiều, điều đó mang tính cầu thị. Thể hiện rõ nhất là cơ chế tài chính, không thể “đánh đồng” khoa học công nghệ với loại hàng hóa thông thường. Phải khai thác nhanh, trọng dụng, thực sự đãi ngộ xứng đáng, thu hút được nhân tài vào lĩnh vực khoa học. Muốn vậy, phải có “đủ tâm đủ tầm” để đề xuất các đề tài mang tính đột phá, có tâm huyết giành cho khoa học, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nói.

Nhiều ý kiến đề nghị, đầu tư cho khoa học phải chấp nhận cả không thành công, Nhà nước phải là “bà đỡ” cho những nghiên cứu khoa học, giám sát chặt chẽ. Nếu có chính sách tốt thì thành công nhưng việc ứng dụng chủ yếu mới dừng ở khoa học tự nhiên, còn khoa học xã hội - nhân văn còn “hơi mờ nhạt”.Ví dụ các đề tài khoa học về giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng ngừa thanh thiếu niên phạm pháp, tuy nêu ra nhiều nhưng ứng dụng còn quá khập khiễng.

“Dùng 2% GDP đầu tư cho khoa học công nghệ”, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị về cơ chế chính sách. Bà cho rằng, phải tìm cơ chế để giải quyết điểm “nghẽn” trong KHCN. Hiện nay đang nghiêng về trọng “cầu” chứ không trọng “cung”. Làm sao để KHCN phải là yếu tố “nội sinh” của các doanh nghiệp. Hiện vốn đầu tư cho KHCN không đồng đều, nơi cần thì không có vốn, nơi có thì không nghiên cứu được. Theo đó, cần có cơ chế phù hợp với lực lượng khoa học để phản biện xã hội. Lâu nay chưa có cơ chế nên chưa phát huy được trí tuệ của các nhà khoa học phản biện. Vướng mắc nhất là cơ chế tài chính, còn nặng tính bao cấp, chưa đáp ứng tiến độ, kịp thời cho KHCN. Định mức còn xa thực tiễn khiến nhà khoa học phải “lách luật”.

Khoa học công nghệ ở Việt Nam vẫn chậm bước so các nước trong khu vực.

Có khoa học công nghệ, doanh nghiệp sẽ lãi

“Nhà nước cần rà soát các trung tâm nghiên cứu, nhiều trung tâm không hiệu quả, nhiều đề tài khoa học không sát thực tiễn, không phát huy tác dụng”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bức xúc về những đề tài khoa học đang bị “đắp chiếu”. Doanh nghiệp ký kết với các đề tài chỉ khi phát huy tác dụng. Vướng mắc nhất là cơ chế tài chính, cần tháo gỡ khó khăn thuế thu nhập DN. Nếu trích 10% để làm quỹ nghiên cứu khoa học thì khuyến khích lớn.

Theo đại biểu Vẻ, phần lớn DN Việt Nam là DN “siêu nhỏ” và vừa, Nhà nước cần cấp kinh phí bổ sung để DN hoạt động, quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lo ngại việc lập quỹ phát triển KHCN chủ yếu là địa phương của DN, 95% là DN nhỏ và vừa  nên vốn rất hạn chế. Vì thế, họ không thể đổi mới công nghệ.

Đại biểu Cảnh cũng cảnh báo, cần tránh tình trạng nhiều địa phương góp quỹ nghiên cứu đa ngành nhưng rồi chẳng có ngành nào được hưởng từ nghiên cứu khoa học. Ngoài chính sách ưu tiên, Nhà nước hỗ trợ cho những năm đầu. Ông Cảnh ví dụ, trước đây DN sử dụng công nghệ cũ lãi được 1 tỉ đồng. Khi có công nghệ-khoa học mới, chi phí tăng lên, lãi chỉ thu được 800 triệu đồng (lỗ 200 ngàn đồng) khoản này sẽ được Nhà nước ưu tiên nghiên cứu. Chỉ sau vài năm DN sẽ có công nghệ mới và vượt qua khó khăn, năng suất tăng cao sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đổi mới công nghệ…

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) thì lo ngại, thanh quyết toán rườm rà cũng là “điểm nghẽn” cản trở nghiên cứu khoa học. “Ta đang chảy máu chất xám khu vực Nhà nước, đang chảy ra khu vực nước ngoài. Nếu không có tính đột phá “con người là trung tâm” thì ít năm nữa nước ta thiếu trầm trọng trí thức trẻ làm khoa học”…

PVTS
.
.
.