Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật Ngân sách Nhà nước:

Không chỉ phân quyền rõ mà còn phải quy rõ trách nhiệm

Thứ Bảy, 18/04/2015, 09:39
Sáng 17/4, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị đại biểu chuyên trách, Quốc hội đã dành thời gian bàn về Luật Ngân sách Nhà nước.

Với tầm rất quan trọng của ngân sách, một số đại biểu kiến nghị cần tăng thời lượng làm việc của Quốc hội để quyết vấn đề này cũng như giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại: tình trạng sai phạm trong thu chi, sử dụng ngân sách thiếu hiệu quả, tính kỷ luật, kỷ cương chưa cao. Đặc biệt, cần nâng cao tính minh bạch và quy rõ trách nhiệm của người thực  hiện.

Nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các vị đại biểu, Luật Ngân sách Nhà nước lần này được cho đã có nhiều điểm tiến bộ hơn so với luật hiện hành.

Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, “dự thảo luật đã quy định nguồn thu, nhiệm vụ chi xác đáng hơn, bội chi NSNN cũng phù hợp thông lệ quốc tế, không tính trả nợ gốc và tính phần chi trái phiếu Chính phủ vào bội  chi. Luật cũng đã công khai minh bạch hơn, không chỉ sau khi NS được phân bổ, đến lúc quyết toán mà ngay từ trong quá trình xây dựng dự toán và quá trình thực hiện theo từng quý. Phân công phân cấp rõ hơn, xác định rõ hơn thẩm quyền trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, góp phần củng cố, tăng cường kỷ luật tài chính”. 

Tuy nhiên, đại biểu Thụ cũng “vẫn băn khoăn với nhiều vấn đề”, trong đó có việc Quốc hội quyết NS ở 1 kỳ họp, bởi nhiều ý kiến dù xác đáng cũng khó được tiếp thu, do NS đã được làm với địa phương từ 15/5 nhưng đến tháng 10 Quốc hội mới chốt; hay nếu Quốc hội quyết định tăng thu thì phân bổ vào địa phương nào cũng quá muộn, như năm vừa rồi Bộ Tài chính đã phải quyết tăng thu vào dầu thô và xuất nhập khẩu, là phần 100% NS Trung ương, gây rủi ro rất lớn cho NS Trung ương, cần có cách xử lý.Thứ nữa là về trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính, NS, tình trạng sai phạm trong quản lý thu chi, thu chi vượt dự toán là rất phổ biến, có nhiều khoản chi vượt đến hơn 2 lần. Đại biểu Thụ cho rằng cần thay Nghị quyết của Quốc hội về NSNN và phân bổ NSTW thành luật thường niên để tăng cường tính pháp lý, kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Một vấn đề cốt lõi khác được hầu hết các đại biểu quan tâm là vấn đề thẩm quyền của Quốc hội, bởi theo đại biểu Trần Du Lịch, “quyền lực nhà nước có cao cỡ nào cũng không có gì cao nếu không kiểm soát được ngân sách”, và “lần này sửa Luật phải làm sao để Quốc hội thực sự kiểm soát được ngân sách”. 

Đại biểu Thụ cho rằng các điều luật hiện hành, thẩm quyền phân bổ chi tiết vẫn của các bộ, ngành và các cơ quan trực thuộc Trung ương, nên Quốc hội chỉ biết tổng thể, nhưng cụ thể thì không biết, chưa đảm bảo thẩm quyền Quốc hội và khó khăn cho giám sát. Riêng bội chi NSNN, tuy dự thảo đã có nhiều tiến bộ theo thông lệ quốc tế, nhưng phần vay về cho vay lại hiện vẫn chưa tính trong bội chi NSTW, dù đã được kiến nghị. 

Theo đại biểu, phần Chính phủ cho địa phương vay lại để bù đắp chi đã thể hiện trong bội chi NSNN, nhưng những phần cho đầu tư phát triển, chuyển qua VDB, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lại chưa được thể hiện. Về thu ngân sách, nhiều đại biểu kiến nghị nên bỏ khoản thưởng vượt thu, bởi gây ra tình trạng dự toán thấp để vượt thu để lĩnh thưởng, và thực chất quy định này cũng chỉ có 12 địa phương có điều tiết về NSTW (trừ TP HCM) được hưởng. Tuy nhiên, đại biểu lại kiến nghị đối với thu 100% NSTW (như xuất nhập khẩu, dầu thô), dù bản chất không phải do địa phương làm ra, nhưng có sử dụng hạ tầng và do địa phương thu thì nên căn cứ vào số thu và số sụt giảm của hạ tầng để thưởng cho địa phương để bù đắp đầu tư lại.

Không góp ý trên phương diện kỹ thuật hay chuyên môn, nhưng dựa trên tình hình thực tế, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng việc “xem quản lý thu chi theo dự toán và đảm bảo thu chi đúng chế độ như bảo bối, quản lý đồng tiền không gắn với hiệu quả, cuối năm thanh quyết toán hồ sơ đẹp, không có gì sai là được gây thất thoát lãng phí rất lớn”. Đơn cử việc xây một trung tâm giải quyết việc làm rất đẹp, thanh quyết toán hợp lý, nhưng không có ai sử dụng. Hay quyết toán trồng rừng, nếu trồng đủ số chi, chúng ta trồng đến biển Đông rồi. 

Đại biểu Lê Nam cho rằng cần đổi mới quyết liệt chế độ, bởi “chế độ hiện nay không theo kịp cuộc sống, như chuyện xe công, quy định thế mà không thực hiện được thì phải đổi mới thế nào, nếu không chúng ta quy định nguyên tắc nhưng cuối cùng lại chấp nhận cái sai”. Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh cần kiểm soát nợ công ở cấp xã, huyện, bởi hiện rất nhiều tình trạng chưa biết lấy kinh phí ở đâu nhưng vẫn phê duyệt xây dựng công trình nọ, hạng mục kia.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cần tiếp tục bảo vệ quan điểm tăng số lượng đại biểu chuyên trách

Kết thúc hai ngày rưỡi làm việc tập trung, hiệu quả của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận 4 dự án luật quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm một cách sâu sắc, phát biểu đầy trách nhiệm và đã thể hiện được chính kiến của mình rõ ràng... có nhiều đóng góp quan trọng cho Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ và cho các ủy ban của Quốc hội để tiếp thu hoàn chỉnh các dự án luật trình Quốc hội”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục suy nghĩ để tại kỳ họp thứ 9 tiếp tục thảo luận, mục đích là vì nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, đặc biệt là 4 bộ luật quan trọng để đáp ứng nhu cầu Nhà nước phục vụ nhân dân tốt hơn, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, phục vụ sự quản lý tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp.
Vũ Hân
.
.
.