Khi một số ngành còn “tồn kho” trách nhiệm

Chủ Nhật, 24/11/2013, 11:58
Tâm trạng cử tri cả nước phần nào được giải tỏa sau phiên chất vấn trên diễn đàn Quốc hội về những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đặt ra. Song họ chưa thể mãn nguyện với phần trả lời chất vấn về không ít vấn đề của lãnh đạo một số bộ, ngành như đại biểu Lê Như Tiến gọi một cách văn học là còn “thiếu lửa”. Bởi kỳ vọng của cử tri về trách nhiệm ở đây cần phải quy rõ cho các chủ thể nhất định, chứ không phải chung chung theo nghĩa “chúng ta”.

Với ý nghĩa ấy, Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với đại biểu Lê Như Tiến-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, làm sáng tỏ vấn đề “tồn kho” trách nhiệm, để đạt tới đích chất vấn là hành động và chuyển động trong thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Phóng viên (PV): Thưa ông, cử tri cả nước cảm nhận rất rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ trước những vấn đề “nóng” của từng đại biểu qua chất vấn. Là đại biểu, ông đánh giá như thế nào về chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn lần này so với các kỳ họp trước của Quốc hội?

Đại biểu Lê Như Tiến: Nhìn tổng thể phiên chất vấn lần này có nhiều tiến bộ. Cụ thể là người chất vấn phần lớn đưa ra câu hỏi ngắn gọn, trúng vấn đề cử tri quan tâm thay cho cách diễn giải dài dòng trước đây. Vấn đề nêu ra để hỏi cũng sát với thực tế cuộc sống, đều là những bức xúc về kinh tế xã hội, đời sống dân sinh cần giải quyết. Còn người trả lời chất vấn cũng đã tập trung đi thẳng vào vấn đề được hỏi, chẳng hạn như phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an về vụ án oan sai tại Bắc Giang, được đông đảo đại biểu đồng tình. Một số bộ trưởng cũng đã nhận rõ trách nhiệm đối với những vấn đề “nóng” được đại biểu chất vấn, như những sai phạm trong lĩnh vực y tế...

Tuy nhiên, tôi chưa thỏa mãn với phần chất vấn và có cảm giác “thiếu lửa”. Bởi chất vấn là để nhận biết, nhận thấy, nhận ra vấn đề để rồi sau chất vấn, các vị “tư lệnh” ngành đưa ra giải pháp hành động và chuyển động trong thực tiễn. Muốn thế, chất vấn phải quy rõ được trách nhiệm, mà là trách nhiệm cá nhân chứ không phải là trách nhiệm chung chung.

Hoạt động y tế luôn được cử tri quan tâm. Ảnh minh họa: Duy Hiển.

PV: Bạn đọc Báo CAND rất ấn tượng với hai từ “thiếu lửa” mà ông sử dụng để diễn đạt cảm xúc về phiên chất vấn. Nhưng họ còn băn khoăn bởi “thiếu lửa” thì khó tạo nên chuyển biến về chất trong chất vấn, còn ngược lại “già lửa” e rằng dễ “cháy” khiến mục đích chất vấn không đạt được. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Đại biểu Lê Như Tiến: “Thiếu lửa” ở đây không phải là sự gay gắt, tranh cãi, giằng co, mà chính là chưa đi đến tận cùng của vấn đề. Sau chất vấn sẽ xác định rõ trách nhiệm pháp lý, quy trách nhiệm cá nhân, những bộ trưởng, người đứng đầu ngành đó đưa ra giải pháp và hành động, tạo chuyển động tích cực trong thực tiễn, đó mới là đích đến của chất vấn. Khi người chất vấn và người trả lời chất vấn đều xuất phát từ nguyện vọng của cử tri, vì cử tri, thái độ và trách nhiệm xây dựng, thì không sợ “cháy”. Điều đó chỉ có lợi cho hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng các phiên họp Quốc hội mà thôi.

PV: Những người làm Báo CAND qua tác nghiệp và cứu trợ đồng bào đã trực tiếp chứng kiến hậu quả nghiêm trọng do lũ lụt vì phát triển thủy điện thiếu kiểm soát và thiệt hại nặng nề do bão đối với cây cao su và các hồ chứa ở miền Trung vừa qua. Trên diễn đàn Quốc hội, một lần nữa điều này được các đại biểu nêu lên. Theo ông, việc “mổ xẻ” vấn đề thủy điện và xác định trách nhiệm như thế đã thấu hay vẫn còn “tồn” trách nhiệm?

Đại biểu Lê Như Tiến: Chuyên đề thủy điện thời gian qua có nhiều vấn đề nảy sinh khiến dư luận quan ngại: Quy hoạch thiếu khoa học; phát triển thủy điện tràn lan; xây dựng thủy điện kém chất lượng để vỡ đập, sự cố nứt đập; xả lũ gây ngập lụt hạ lưu... Quốc hội đã nhiều lần “mổ xẻ” vấn đề này. Với quy hoạch, Bộ Công thương đã có chuyển động đề xuất Chính phủ loại bỏ 424 dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch, đồng thời dừng một số dự án thủy điện khác ngoài quy hoạch, có hại cho môi trường, đe dọa an toàn cuộc sống người dân hạ du... Nhưng trước Quốc hội, trách nhiệm về vấn đề này chưa được làm rõ. Còn với việc xả lũ các hồ thủy điện gây ngập lụt thiệt hại lớn về người và tài sản ở Nam Trung bộ như vừa qua, tôi thấy chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân ai phải chịu. Việc xả lũ có chỗ do hồ thủy điện (thuộc Bộ Công thương quản lý), có chỗ do hồ thủy lợi (Bộ NN&PTNT quản lý). Để hậu quả ngập lụt xảy ra, thì phải truy rõ trách nhiệm, vì Chính phủ mà trực tiếp là đồng chí Phó Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành quy chế vận hành các hồ chứa rồi. Vấn đề là “nhạc trưởng” phải điều hành và làm rõ trách nhiệm cá nhân.

PV: Nghĩa là phải có “nhạc trưởng” chỉ huy, tránh tình trạng trong một số lĩnh vực có chồng lấn phạm vi quản lý, chẳng hạn như vận hành hơn 1.200 hồ chứa, thưa ông?

Đại biểu Lê Như Tiến: Quy hoạch thủy điện, phát triển, quản lý và khai thác thủy điện thì rõ ràng trách nhiệm trước hết thuộc Bộ Công thương. Trao đổi với báo chí, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng bày tỏ ý kiến ngành nào phải chịu trách nhiệm phạm vi quản lý ngành đó, không thể nói trách nhiệm chung chung, không thể đổ lỗi cho ai được. Việc vận hành các hồ chứa đã có “nhạc trưởng”, đã có quy chế vận hành rồi, không khó xác định trách nhiệm của Bộ nào hay cá nhân nào.

PV: Thế còn chuyện bỏ ngoài tai ý kiến các nhà khoa học, khuyên không nên trồng cao su ở miền Trung trở ra đến Tây Bắc vì khí hậu lạnh, bão gió nhiều... Bây giờ hậu quả thấy rõ qua bão số 10, 11 vừa qua cả rừng cao su đổ gập, các nhà khảo nghiệm không đồng tình. Hệ quả không mong muốn ấy theo ông ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Lê Như Tiến:  Đến nay chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm về thiệt hại hàng trăm hécta cao su bị đổ gãy ở miền Trung. Chỉ có nông dân-những người vay vốn để trồng là rơi nước mắt. Trách nhiệm quản lý ngành thì rõ là Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Tôi nghĩ việc quyết định các dự án trồng cao su đó đều có phê duyệt, thì cứ dựa vào hồ sơ dự án, chữ ký của người duyệt mà xác định trách nhiệm. Vấn đề quan trọng là sau nhiều lần thất bại “trồng cây gì, nuôi con gì” rồi, đến lượt cây cao su lại như thế, ngành chủ quản rút ra bài học gì để tham mưu cho Chính phủ nhằm tránh những hậu quả tiếp theo, để nông dân không bị “trắng tay”.

PV: Vậy làm thế nào để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, hạn chế thấp nhất tình trạng “tồn kho” trách nhiệm?

Đại biểu Lê Như Tiến: Chưa chất vấn đến tận cùng vấn đề, chưa xác định rõ trách nhiệm cho cá nhân thì lấy đâu ra giải pháp. Tôi lấy ví dụ, khi Quốc hội chỉ ra những yếu kém trong giáo dục đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định dừng tuyển sinh đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện, cấm dạy thêm học thêm tràn lan, thay đổi phương pháp dạy học từ chỗ thầy đọc, trò ghi (biến học trò thành máy chép) sang phương pháp lấy học trò làm trung tâm, tăng cường khả năng làm việc nhóm.

Như thế, chất vấn đã tạo nên chuyển động trong thực tế. Còn ở lĩnh vực khác, như an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe và cả duy trì giống nòi, thì đến nay vẫn còn bất cập, trách nhiệm vẫn nằm trong ranh giới của ba Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp. Trước mỗi vấn đề mà không chất vấn đến cùng thì không xác định rõ được trách nhiệm. Không rõ trách nhiệm thì cũng không thể phối hợp tốt được, vì thế kéo dài tình trạng chồng lấn trách nhiệm hoặc lãng quên trách nhiệm.

PV: Nguyên nhân chúng ta thiếu quy định hay cách thức chất vấn chưa phù hợp mà việc xác định trách nhiệm cá nhân còn gặp khó khăn? Theo ông khắc phục tình trạng “tồn kho” trách nhiệm bằng cách nào?

Đại biểu Lê Như Tiến: Tôi cho rằng chúng ta chưa quy định rõ. Nhưng cách thức chất vấn của chúng ta chưa đi đến cùng của vấn đề, để khẳng định trách nhiệm ấy là của cá nhân cụ thể với tư cách là người đứng đầu ngành. Đã nói trách nhiệm trước một vấn đề cụ thể nào đó, thì không thể nói trách nhiệm của chúng ta được. Tôi hy vọng sau chất vấn, các Bộ trưởng sẽ có hành động làm chuyển động trong thực tiễn. Cá nhân tôi sẽ đề nghị Quốc hội, trước hết là Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cách điều hành sao để hướng các bộ trưởng thấy rõ trách nhiệm của mình. Đấy là cái đích của chất vấn, chứ không phải chất vấn chỉ để nắm tình hình hoặc báo cáo thành tích của ngành mình. Trách nhiệm chính là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các công bộc, là cơ sở để cử tri đánh giá và kỳ vọng.

PV: Xin cảm ơn đại biểu Lê Như Tiến!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.