Khát vọng thành phố “đầu biển cuối sông”

Thứ Bảy, 21/01/2017, 05:51
Với những lợi thế về nguồn vốn và cơ chế khi trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã nhanh chóng thay đổi diện mạo. Nhiều công trình mới được xây dựng từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, từ việc tận dụng và phát huy nội lực của địa phương, từ phương châm sáng tạo “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.


20 năm sau khi chia tách, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị hiện đại với vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thương hiệu Đà Nẵng đã tạo được dấu ấn và lan tỏa rộng, chiếm được tình cảm yêu mến của bạn bè trong nước và quốc tế. Xây dựng Đà Nẵng ngày càng phồn thịnh, yên bình, đáng sống vừa là khát vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố, vừa là trách nhiệm với tương lai...

Trước khi chia tách, có thể ví Quảng Nam và Đà Nẵng như 2 cái cây ở trong chiếc chậu nhỏ đất đá khô cằn nên cây nào cũng còi cọc. Đất đai khô cằn ấy chính là nội tại đói kém lạc hậu, là sự túng quẫn của một vùng đất phụ thuộc lớn vào nông nghiệp nhưng thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lũ.

Và cái chậu chật hẹp ấy không phải là không gian địa lý, mà chính là cơ chế, chính sách hạn hữu, là sợi dây trói của tư duy làm việc tập thể, trách nhiệm tập thể kéo theo sự trì trệ. Việc chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính từ ngày 1-1-1997 là một quyết định lịch sử, tạo tiền đề cho sự đổi mới và đột phá.

Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc, trở thành thành phố đáng sống. Ảnh: An Khang.

Với những lợi thế về nguồn vốn và cơ chế khi trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã nhanh chóng thay đổi diện mạo. Nhiều công trình mới được xây dựng từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, từ việc tận dụng và phát huy nội lực của địa phương, từ phương châm sáng tạo “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Những lợi thế về sân bay, bến cảng, đất đai, bờ biển đã được biến thành nguồn lực để phát triển kinh tế. Những cây cầu bắc qua sông Hàn, những cung đường mở rộng, Hành lang Kinh tế Đông Tây, đường hầm xuyên núi Hải Vân... đã gắn kết, tạo động lực cho sự phát triển, giúp Đà Nẵng khai phá những tiềm năng to lớn lâu nay còn bỏ ngỏ.

Đà Nẵng cũng làm rất tốt việc xây dựng thương hiệu, từ việc xây dựng các công trình mang tính biểu tượng đến việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thu hút đầu tư. Nhiều năm liền, thành phố là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh CPI.

Chỉ với vài nhà máy, xí nghiệp lẻ tẻ ngày đầu chia tách, đến nay Đà Nẵng đã có 5 khu công nghiệp lớn thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp to lớn cho ngân sách...

Sau khi chia tách, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều có sự phát triển vượt bậc. Từ là những địa phương có nguồn thu nhỏ bé, phụ thuộc đến hơn 70% vào vốn ngân sách Nhà nước, đến năm 2016, thu ngân sách của Quảng Nam đạt hơn 16.000 tỷ đồng, của Đà Nẵng là hơn 18.200 tỷ đồng và bắt đầu đóng góp trở lại vào ngân sách Trung ương. Thu thập bình quân đầu người của Đà Nẵng năm 2016 đạt xấp xỉ 65 triệu đồng, cao hơn gần 45% so với bình quân cả nước. Đó là kết quả của một chặng đường nỗ lực to lớn của lãnh đạo và người dân Đà Nẵng.

Có thể nói, nhờ thời cơ và những thuận lợi khách quan cùng ý chí, nỗ lực, tinh thần dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Đà Nẵng, thành phố đã vươn lên mạnh mẽ. Và, cái cây còi cọc đã chuyển mình phá vỡ chiếc chậu chật hẹp, để rễ toả rộng bám sâu hút dưỡng khí từ lòng đất, vươn cành đón sương gió, khí trời và đơm hoa kết quả...

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm đến Đà Nẵng để làm ăn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập ngân sách, xây dựng những công trình góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo của thành phố.

Tuy nhiên, không phải không có nhiều điều tiếc nuối cho Đà Nẵng khi một thời mạnh tay xẻ đất phân lô, lấn chiếm bãi biển, lấn chiếm lòng sông. Hàng chục kilômét bờ biển từ Mỹ Khê chạy dài vào giáp Hội An (Quảng Nam) đã được giao hết cho doanh nghiệp khiến người dân và du khách không có đường ra biển. Rồi trong quy hoạch mở rộng đô thị có nhiều công viên, nhưng sau đó nhà đầu tư lại được phép thay đổi mục đích sử dụng thành đất ở, đất thương mại để bán...

Đà Nẵng phấn đấu trở thành “thành phố đáng sống”. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kỳ vọng Đà Nẵng phát triển như một Singapore. Đà Nẵng có đủ điều kiện và quyết tâm để biến kỳ vọng ấy thành hiện thực, Và hẳn nhiên, sự phát triển ấy không thể bỏ qua yếu tố môi trường.

Người dân Đà Nẵng yêu quý thành phố của họ và đã bắt đầu “nhạy cảm” với vấn đề môi trường. Bởi vậy gần đây, dư luận hết sức quan tâm, đòi hỏi chính quyền phải đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường và công khai, minh bạch một số dự án lấn sông lấn biển có thể gây tác hại đối với môi trường.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP khẳng định, Đà Nẵng quyết tâm bảo vệ môi trường và xây hướng đến mục tiêu “Thành phố đáng sống”. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư xử lý các điểm nóng về ô nhiễm, đối với các dự án mới triển khai, thành phố sẽ rút kinh nghiệm trong quản lý, cấp phép và thực hiện nghiêm khắc báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng công trình, dự án.

Còn ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố thì nhấn mạnh xây dựng chính quyền liêm chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế, tập trung thực hiện các giải pháp cho chương trình mục tiêu “4 An”.

Một thành phố đáng sống phải là một thành phố môi trường. Nhiều quốc gia đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế nhưng cuối cùng, khi môi trường quá ô nhiễm và kéo theo nhiều hệ lụy thì các nhà đầu tư cũng tháo chạy.

Vì vậy, nhiều cán bộ lão thành đã đóng góp ý kiến, đề nghị lãnh đạo TP phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường và kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt. Môi trường gắn liền với khát vọng xây dựng “Thành phố đáng sống” của người dân Đà Nẵng…

Thân Lai
.
.
.