Hội thảo về một số nội dung của dự án Luật căn cước công dân:

Khẳng định tính ưu việt vượt trội

Thứ Ba, 08/07/2014, 20:35
Sáng 8/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo về một số nội dung của dự án Luật căn cước công dân, nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và tính khả thi của dự án Luật. Tới dự và chỉ đạo, có Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về Dự án luật căn cước công dân. Để có cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật, cần tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan, để xây dựng một đạo luật tốt nhất phục vụ nhân dân. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích các vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân…

Thuyết trình về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tính khả thi của việc triển khai dự án, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác quản lý dân cư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đến nay, Việt Nam là nước xây dựng sau trên nguyên tắc kế thừa và phát huy nên Việt Nam đã tiếp thu được các bài học kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, tận dụng triệt để sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong thời đại mới để xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, đáp ứng các yêu cầu quản lý kinh tế-chính trị, xã hội. Sự thành công của dự án sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức giao dịch hành chính công, giảm tối đa chi phí hành chính cho cá nhân, tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa và Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đang chủ trì Hội thảo Luật Căn cước công dân.

Về số định danh cá nhân,  mỗi công dân Việt Nam được cấp một số định danh cá nhân duy nhất từ khi sinh ra đến khi chết đi. Việc cấp số định danh cá nhân từ CSDLQG về dân cư gắn với việc đối sánh qua ảnh chân dung và đặc điểm sinh trắc học từ cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân sẽ đảm bảo cho việc truy nguyên từng cá nhân, khẳng định tính duy nhất của số định danh cá nhân do Bộ Công an cấp. Mỗi công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên đều được cấp CMND với số duy nhất, không cho phép một người có nhiều CMND, hoặc nhiều người có số CMND giống nhau, đảm bảo lợi ích hợp pháp của công dân. Về việc lựa chọn sử dụng tên gọi “Chứng minh nhân dân” hay thẻ “Căn cước công dân”. Bộ Công an đề xuất phương án tên gọi là “Chứng minh nhân dân”.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời báo chí tại Hội thảo.

Dự án CMND đã được triển khai thực hiện có tính khả thi cao. Các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình đã thu được kết quả và hiệu quả của nó mang lại cho công tác nghiệp vụ, quản lý Nhà nước và đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, phải đảm bảo tính khả thi của dự án luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ báo cáo trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới, với tinh thần đồng thuận cao nhất, nhằm quản lý dân cư tốt nhất. Đây là yêu cầu cao, luật căn cước công dân mang tính đột phá lớn, đáp ứng yêu cầu về quyền con người đã được  quy định trong Hiến pháp. Đổi mới phải hết sức đúng đắn, phải có cơ sở về chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn để giải thích cho người dân, chính quy hiện đại để phục vụ nhân dân, chứ không đẩy khó khăn cho người dân. Hai dự án luật Bộ Công an trình 2 kỳ họp vừa qua là chất lượng cao nhất (trong số 11 dự án luật thông qua)

Kim Quý
.
.
.