Khai mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008

Thứ Năm, 04/12/2008, 10:07
Sáng 4/12, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 15 (2008) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị lần này tập trung vào chủ đề ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng trong đó chủ yếu nhấn mạnh tới 4 chủ đề gồm: tình hình kinh tế - xã hội và chính sách của chính phủ; hài hòa hóa thủ tục và hiệu quả viện trợ; quản trị công và cải cách thể chế; biến đổi khí hậu.

Riêng trong ngày khai mạc, Hội nghị dành thời gian để đưa ra tổng kết về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam; xem xét thách thức chủ yếu đối với môi trường kinh doanh; cập nhật tình hình đói nghèo và cơ hội trong cải cách tài chính lĩnh vực y tế; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Tuyên bố Paris và cam kết Hà Nội cũng như quá trình tiến hành Kế hoạch Hành động Accra. Cam kết hỗ trợ vốn ODA và hỗ trợ từ các nhà tài trợ sẽ được đưa ra trong ngày họp thứ 2 (5/12) của Hội nghị.

Là diễn đàn cho những cuộc thảo luận hữu ích và thẳng thắn giữa Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được đánh giá là một kênh quan trọng để thúc đẩy đầu tư phát triển. Năm ngoái, tại Hội nghị CG lần thứ 14, các nhà tài trợ đã cam kết ủng hộ hơn 5,4 tỷ USD để hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.

Ông Martin Rama - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, cũng trong năm 2007, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn kiều hối thì tổng những nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đã lên tới con số 17 tỷ USD. Hiện, các dự án ODA sử dụng nguồn vốn WB đều đang có tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Quyền Giám đốc WB khẳng định: "Tôi  muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Chính vì vậy, chúng tôi cam kết tiếp tục ủng hộ cho Việt Nam trong hoạt động này. Năm nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không có lãi của WB. Điều này có nghĩa là WB đánh giá cao khả năng trả nợ của Việt Nam. Ngoài ra, WB cũng đã đồng ý cấp khoản tín dụng 1,5 tỷ USD lãi suất thấp trong vòng 3 năm theo các điều kiện của Ngân hàng tái thiết và phát triển"

Huyền Chi
.
.
.