Khả năng dự báo bão của Việt Nam là... có vấn đề?

Thứ Năm, 08/11/2007, 17:50
Một cán bộ Bộ NN&PTNT chỉ rõ: Khi tập hợp các bản tin dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn TW và vẽ từng toạ độ của cơn bão ấy lên bản đồ thì cho thấy trong cơn bão số 6 có ít nhất... 8 bản tin dự báo không chính xác về hướng đi của bão.

Cơn bão số 6 (bão Peipah) được các nhà dự báo của VN coi là “cơn bão mạnh, cơn bão trẻ” và khẳng định “như đinh đóng cột” là không thể suy yếu được và sẽ đổ bộ vào đất liền VN (lời khẳng định của một lãnh đạo Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung Ương vào 15 giờ chiều ngày 4/11/2007).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo ông Đặng Quang Tính- Cục trưởng Cục đê điều và phòng chống lụt bão TW thì hiện Peipah không còn là cơn bão trẻ và đầy năng lượng nữa mà đang thành áp thấp nhiệt đới và vùng thấp.

Ông Tính chỉ rõ: Khi tập hợp các bản tin dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn TW và vẽ từng toạ độ của cơn bão ấy lên bản đồ  thì cho thấy trong cơn bão số 6 có ít nhất... 8 bản tin dự báo không chính xác về hướng đi của bão (Xem ảnh: Đường liền màu đỏ là hướng đi thực của cơn bão, nét đứt màu xanh là dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn TW. Mỗi nét đứt ứng với một bản tin và được vẽ theo toạ độ).

Ông Tính cũng khẳng định, việc dự báo hướng đi của các cơn bão thiếu chính xác có thể gây nên hậu quả rất nghiêm trọng. Vì khi cơn bão đổ bộ vào vùng mà trước đó được dự báo là không đổ bộ thì hậu quả sẽ rất khó lường. Còn những vị trí được dự báo là bão sẽ đổ bộ song lại không đúng thì sẽ gây tốn kém sức người, sức của để chuẩn bị phòng tránh hậu quả của cơn bão.

Cơn bão Chan chu (cơn bão số 1/2006) với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 đi vào biển Đông vào đầu tháng 5/2006 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản: 13 tàu bị đắm, 5 tàu mất tích kèm theo đó là 266 người chết và mất tích...

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hậu quả nặng nề đó là do cơ quan khí tượng thuỷ văn của VN đã dự đoán sai đường đi của cơn bão và không thể báo cho ngư dân Việt Nam tránh bão an toàn.

Minh Tiến
.
.
.