Họp mặt truyền thống lực lượng điệp báo miền Nam

Chủ Nhật, 26/04/2009, 17:26
Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng điệp báo miền Nam đã tổ chức họp mặt truyền thống. Đến dự họp mặt có đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư TW Đảng và hơn 300 đại biểu đại diện cho lực lượng điệp báo miền Nam.

Căn cứ vào thực tế tình hình tại miền Nam, năm 1955, Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban địch tình do đồng chí Văn Viên, xứ ủy viên làm Trưởng ban; các đồng chí: Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm (nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ) và đồng chí Hoàng Minh Đạo (nguyên Trưởng phòng Quân báo Nam Bộ) làm Phó ban.

Các đại biểu tham dự buổi họp mặt.

Sau đó ở các khu ủy, tỉnh ủy cũng lần lượt thành lập Ban địch tình ở cấp tương đương, Ban địch tình của xứ ủy và các tỉnh đã xây dựng được nhiều đầu mối đi sâu vào các cơ quan tình báo, cảnh sát, chính quyền của Mỹ - ngụy và các tổ chức phản cách mạng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lực lượng cách mạng miền Nam trong thời kỳ khó khăn nhất, khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam thực thi hành vi man rợ của cái gọi là "Luật 10-59".

Sau khi Trung ương Cục Miền Nam được thành lập để tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam, đầu năm 1961, Thường vụ TW Cục quyết định thành lập Ban An ninh TW Cục. Từ sự chi viện của Bộ Công an, tổ chức của Ban An ninh TW Cục ngày càng lớn mạnh với việc hình thành nhiều tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Điệp báo do đồng chí Cao Đăng Chiếm trực tiếp phụ trách.

 Nhằm chủ động đối phó với mọi âm mưu, hoạt động mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, ngày 25/11/1961, Ban Bí thư TW Đảng ra chỉ thị gửi TW Cục Miền Nam tăng cường công tác nắm tình hình địch. Từ đây, công tác điệp báo của lực lượng An ninh miền Nam bước sang một thời kỳ mới cả về tổ chức, phương hướng hoạt động và đặc biệt là về tư tưởng chủ động làm công tác tình báo chiến lược cũng như công tác phản gián, với yêu cầu cao nhất là phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.

Qua công tác điệp báo, ta đã nắm được tình hình hoạt động của Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Mỹ (MACV) tại Sài Gòn, Sở Nghiên cứu chính trị xã hội (cơ quan tình báo chiến lược của ngụy), phát hiện trước âm mưu đảo chính Diệm - Nhu... và góp phần đắc lực cho cuộc đấu tranh làm thất bại "Cuộc chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy ở miền Nam; chống chiến tranh gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng miền Nam và hậu phương miền Bắc. Lực lượng điệp báo miền Nam cũng thu thập được nhiều tài liệu về kế hoạch xây dựng "Ấp chiến lược" của Mỹ - ngụy, tích cực góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân đấu tranh phá sản kế hoạch thâm độc này của địch.

Đặc biệt, qua công tác điệp báo, ta đã nắm chính xác, kịp thời nội dung Hội nghị Hônôlulu của đế quốc Mỹ nhằm mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Qua tin ta nắm được, tháng 1/1964, các nhân vật cấp cao của Mỹ như Rostw, Mắc Namara và Taylơ họp kín bàn kế hoạch đánh phá miền Bắc Việt Nam với ký hiệu "R-6".

Tiếp đó, từ ngày 31/5, 2/6/1964, "bộ sậu" lãnh đạo chiến tranh của Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara, Bộ trưởng Ngoại giao, Tướng Uylơ, Bândi, Cabốt Lốt Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Tướng Taylơ, tướng Óetmolen, Giám đốc CIA Mắc - Côn lại họp tại Hônôlulu để thông qua kế hoạch "R-6". Và, như lịch sử đã chứng minh sau đó, ngày 5/8/1964, Mỹ cố tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ và điên cuồng mở cuộc chiến tranh bằng không quân đánh phá ác liệt miền Bắc. Điệp báo miền Nam cũng nắm kịp thời chiến thuật "Trực thăng vận" của Mỹ. Từ đó quân ta nghiên cứu và đánh bại chiến thuật này. 

 Dồn sức cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, lực lượng điệp báo của An ninh ở khắp miền Nam đã bộc lộ phần nào để tham gia chiến đấu. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, nhiều cơ sở điệp báo và lực lượng An ninh của ta bị địch khủng bố dã man, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh rất anh dũng. Một số đồng chí bị địch bắt và tra tấn rất tàn bạo nhưng vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ Cách mạng và của người chiến sĩ điệp báo An ninh.

Để tăng cường cho cuộc đấu tranh, Bộ Công an và Ban An ninh TW Cục Miền Nam chủ trương xây dựng lại màng lưới điệp báo ở miền Nam. Bộ phận điệp báo của Ban An ninh TW Cục được củng cố và tăng cường. Một số cán bộ chỉ huy điệp báo có kinh nghiệm từ các khu được điều về cho cơ quan điệp báo của Ban An ninh miền. Không lâu sau đó, đến khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, mặc dù địch đã đàn áp và khủng bố, nhưng mạng lưới điệp báo An ninh miền Nam vẫn tiếp tục phát triển và phát huy được hiệu quả, tích cực góp phần đấu tranh phá rã chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Lực lượng điệp báo miền Nam đã có nhiều cơ sở hoạt động bí mật trong các cơ quan đầu não, quan trọng của ngụy quân, ngụy quyền. Điển hình như: Điệp báo miền Nam đã lấy được tài liệu về âm mưu "Bình định nông thôn", chiến dịch Phượng Hoàng và Thiên Nga của Mỹ -Ngụy; cơ quan Điệp báo Tây Nam Bộ phát hiện và lấy được "kế hoạch Hùng Vương", thực hiện chiến địch tràn ngập lãnh thổ của địch tại đồng bằng sông Cửu Long; Điệp báo T65 khu Trị Thiên thu thập và xác định: Địch không tấn công bộ binh ra hậu phương lớn miền Bắc...

Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, điệp báo An ninh miền Nam cũng thu được chứng cứ Mỹ không can thiệp quân sự vào khi thất thủ tại Tây Nguyên. Tại Sài Gòn Gia Định, cụm điệp báo A10 thuộc lực lượng An ninh T4 đã làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chính trị, đòi Thiệu - Kỳ - Hương từ chức. Cụm điệp báo A10 còn là người tham mưu và "gạch đầu dòng" cho bản phác thảo mà Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu vô không điều kiện vào ngày 30/4/1975.

Phát huy truyền thống Anh hùng của các lực lượng điệp báo An ninh miền Nam, nhiều cán bộ điệp báo năm xưa đã nghỉ hưu, đã mất, các đồng chí còn lại vẫn tiếp tục cống hiến trong lực lượng, xứng đáng với niềm tin của Đảng, sự nuôi dưỡng đùm bọc của nhân dân

Phương Nam
.
.
.