Hội thảo về thực hiện Luật Báo chí

Chủ Nhật, 13/12/2009, 10:10
Ngày 12/12, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí hiện hành và những kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào công tác sửa đổi Luật Báo chí sắp tới.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, việc thực hiện Luật Báo chí hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Luật Báo chí sửa đổi thông qua đến nay đã gần 10 năm; một số điều trong luật đã bắt đầu tỏ ra lạc hậu trước sự bùng nổ của thông tin và các loại hình báo chí.

Chẳng hạn, luật lúc đó định nghĩa cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một loại hình báo chí, nhưng thực tế hiện nay, một cơ quan báo chí thậm chí thực hiện tới bốn loại hình báo chí. Cơ quan nào được phép thành lập, hoạt động báo chí cũng chưa được Luật Báo chí sửa đổi quy định rõ ràng.

Rồi một số cơ quan báo chí, nhất là báo chí địa phương hiện vẫn chưa thực hiện hoặc không chịu thực hiện khung nhuận bút cho phóng viên, tác giả viết tin, bài đăng trên báo họ theo quy định tại nghị định của Chính phủ. Cụ thể, theo quy định này thì nhuận bút thấp nhất cho một tin là 65.000 đồng, nhưng thường thì họ trả dưới mức này.

Hơn nữa là trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp của những người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí; quyền và nghĩa vụ của nhà báo... cũng chưa được xác định rõ ràng trong Luật Báo chí hiện nay. Các vấn đề quan trọng khác như tài chính đối với báo chí, văn phòng đại diện và phóng viên thường trú; quảng cáo và cải chính trên báo chí... cũng còn rất nhiều bất cập...

Những ý kiến đóng góp của ông Lưu Vinh - Phó Tổng biên tập Báo CAND về việc công chúng có quyền được thông tin, quy chế và thực hiện quy chế của người phát ngôn được hội thảo đặc biệt quan tâm. "Một vụ việc, một hiện tượng xã hội mà có tính bất thường thì công chúng có quyền được thông tin và báo chí có quyền phanh phui, làm rõ sự bất thường ấy để tạo sự minh bạch cho xã hội, tránh đi những nghi ngờ không tốt của dư luận có ảnh hưởng xấu đến đời sống chính trị, tinh thần của nhân dân" - ông Vinh nói.

"Một vấn đề khác, hiện nay đã có quy chế và thực hiện quy chế người phát ngôn, nhưng thực tế khi nhà báo tiếp cận vụ việc, sự kiện với người phát ngôn thì rất khó khăn. Đó là chưa kể người phát ngôn nhiều khi từ chối trách nhiệm phát ngôn của mình; họ biện bạch, đưa ra nhiều lý do để né tránh báo chí. Điều này đã khiến nhà báo phải tìm kiếm một nguồn tin khác mà rất dễ dẫn tới sai sót. Vậy nên Luật Báo chí cần quy định cụ thể tính trách nhiệm của người phát ngôn và xử lý họ ra làm sao mỗi khi họ không tuân thủ luật pháp này" - ông Vinh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, đó là thực tế đang diễn ra hiện nay. "Quy chế và thực hiện quy chế người phát ngôn là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí hoạt động và phát triển, đưa thông tin một cách chính xác nhất. Thế nhưng, ở một số cơ quan, địa phương, thậm chí Bộ, ngành lại sử dụng quy chế này để buộc chặt và bưng bít thông tin" - ông Doãn bày tỏ.

"Không riêng người phát ngôn báo chí mà người khác cũng có quyền thông tin cho báo chí, song phải chịu trách nhiệm đối với thông tin mà mình cung cấp. Báo chí có tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việc tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ báo chí cho các cán bộ báo chí và phóng viên là rất cần thiết. Đây là một nghề rất đặc thù, rất chuyên môn, giúp cho báo chí của chúng ta phát triển đúng hướng để có những đóng góp thiết thực hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước" - ông Doãn cho biết thêm

Phan Thanh Bình
.
.
.