Hội thảo giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn

Thứ Tư, 30/06/2010, 08:11
Sáng 29/6, tại Hà Nội, Bộ Công an đã phối hợp cùng Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn". Tham dự và chủ trì hội thảo có: đồng chí Vũ Văn Hiền - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ GTVT.

Không phủ nhận sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông trên cả nước, khi triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 16 của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đã thẳng thắn nhận định rằng tình hình ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều điểm ùn tắc không những chậm được khắc phục, mà còn có nguy cơ kéo dài vào các giờ cao điểm ở các đô thị, đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Minh chứng cho điều này, Trung tướng Cao Xuân Hồng - Phó Tổng Cục trưởng TCCS QLHC về TTATXH cho biết: Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 101 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài trên 1 giờ, thì riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội có 25 vụ và TP HCM 14 vụ, chiếm tới 38,6%. Một trong những nguyên nhân chính là do tổ chức giao thông chưa hợp lý.

Tình trạng thi công các dự án giao thông còn kéo dài, vừa thi công vừa cho phương tiện lưu thông; việc tiếp tục mở rộng và xây dựng các cơ sở giáo dục, bệnh viện, chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại ở khu vực nội đô thu hút lượng người, phương tiện tập trung vào đô thị ngày càng tăng, phá vỡ kết cấu quy hoạch đô thị, dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Bên cạnh đó là sự gia tăng dân số, gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến hệ số chiếm dụng mặt đường của phương tiện gia tăng, trong khi vận tải công cộng, chủ yếu là xe buýt, chỉ đáp ứng được 5-7% nhu cầu đi lại của người dân.

Đồng chí Vũ Văn Hiền và Thượng tướng Lê Thế Tiệm cùng các đại biểu dự Hội thảo.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm nhấn mạnh: Để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị, thì việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TTATXH phải đặt lên hàng đầu. Nhưng trước mắt cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao, đi đôi với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả, đảm bảo quỹ đất hợp lý dành cho giao thông tĩnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Công an đề nghị phối hợp cùng Bộ GTVT sớm ban hành văn bản liên tịch quy định về công tác phối hợp trong việc tổ chức giao thông của các đơn vị chức năng từ Trung ương đến các địa phương.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng yêu cầu Tổng cục CSQLHC về TTATXH phối hợp cùng Tổng cục Xây dựng lực lượng hoàn chỉnh báo cáo kết quả Hội thảo trình Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các đơn vị chức năng ở Trung ương và những thành phố lớn cùng các nhà khoa học tiếp tục tham mưu hoàn thiện các giải pháp, đồng thời tổ chức triển khai ngay những phải pháp có tính khả thi đã được kết luận, phê duyệt.

Chiều cùng ngày, Thượng tướng Lê Thế Tiệm đã chủ trì Hội nghị tổng kết thí điểm xây dựng hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh trên QL1A, đoạn Pháp Vân - Ninh Bình.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 1/6/2008 đến 31/5/2010, qua hệ thống giám sát xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 20.664 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó xe ôtô khách là 9.884 trường hợp (chiếm 47%); xe ôtô con là  6.992, chiếm 33,%;  xe ôtô tải 3.860, chiếm 28,4% trường hợp. Lỗi vi phạm chủ yếu là xe chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường. Từ khi sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến đã có chuyển biến tốt hơn, tai nạn giao thông trên đoạn đường Pháp Vân - Ninh Bình đã giảm 43 vụ (23,2%), số người chết giảm 60 người (29,2%), số người bị thương giảm 18 người (19,6%). 

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đưa ra nhận định: Việc triển khai lắp đặt và đưa hệ thống giám sát bằng camera vào hoạt động, đã tác động mạnh vào ý thức người tham gia giao thông. Lái xe ôtô đã chấp hành tốt hơn quy định về tốc độ, làn đường, phần đường. Thông qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đã góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, cụ thể là phát hiện 2 vụ phạm pháp hình sự, bắt 2 đối tượng trộm cắp ôtô, phát hiện 1 vụ lái xe ôtô gây tai nạn bỏ chạy.

Nhóm PV
.
.
.