Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm mua bán người

Thứ Tư, 30/07/2014, 17:36
Ngày 30/7, Tổng cục Cảnh sát PCTP (Tổng cục VI - Bộ Công an) phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tội phạm mua bán người và môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài”.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP; bà Trần Kim Mai, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, điều hành hội thảo với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung Ương; đại diện lãnh đạo, Công an 18 tỉnh, thành phía Nam; đại diện sứ quán các nước; Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam…

Tại hội thảo, nhiều tham luận được các đại biểu trình bày, đánh giá thực trạng hoạt động tội phạm mua bán người nói chung và dưới dạng hôn nhân trái phép với người nước ngoài đang diễn ra tại địa phương; những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh; chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp nâng cao để kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP (Tổng cục VI – Bộ Công an) chủ trì, điều hành tại hội thảo.

Đại tá Lê Văn Chương, Phó chánh Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an cho biết: từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có 115.675 người kết hôn với 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung bình, mỗi năm có khoảng 18.000 người kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, tập trung đông nhất là tại các nước: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Trong đó, nổi lên một số tình hình liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người, dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép. Phần lớn, các nạn nhân chủ yếu là những gia đình nghèo, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh miền Tây như: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp… chiếm 78%. Tại các tỉnh phía Bắc, một số trường hợp chị em phụ nữ đứng tuổi hoặc do điều kiện gia đình khó khăn bị một số đối tượng lừa bán sang Trung Quốc…

Các đại biểu tham gia tại hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp phòng chống, tội phạm mua bán người tại hội thảo.

Báo cáo của 18 tỉnh, thành phía Nam, trong gần 6 năm, các lượng lượng chức năng đã phát hiện xảy ra 259 vụ, với 684 đối tượng, lừa bán 1.691 nạn nhân.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng phát hiện từ 400 – 500 vụ, liên quan đến 700 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân. Trong năm 2013, xảy ra 507 vụ (tăng 4%). Sáu tháng đầu năm 2014, xảy ra 301 vụ (tăng 16% so với cùng kỳ).

Chia sẻ tại hội thảo, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các phụ nữ lấy chồng nước ngoài, phần lớn có chung giấc mơ đổi đời nên không hợp tác với Công an. Thậm chí, còn xem những đối tượng mà Công an đang xử lý là ân nhân giúp họ đổi đời. Chúng ta ngăn chặn nguy cơ bị lợi dụng, bị xâm hại. Nỗ lực giảm nguy cơ hôn nhân đa văn hoá, hạn chế nguy cơ đổ vỡ và tăng mức xử phạt đối với các vụ môi giới hôn bất bất hợp pháp”.

Những năm qua, lực lượng chức năng Việt Nam nỗ lực phối hợp với các tổ chức quốc tế đấu tranh, chống tội phạm buôn bán người.

“Những năm gần đây, nhiều đối tượng gốc Phi sang Việt Nam, chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam sinh sống, kết hoặc hoặc chung sống như vợ chồng với một số phụ nữ Việt Nam. Cá biệt, một số đối tượng sử dụng phụ nữ, để hình thành các đường dây để buôn bán ma tuý”. Đại tá Lê Văn Chương cho hay.  

Theo Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh: mỗi năm Công an tỉnh triệt phá từ 7-8 vụ đường dây mua bán người. Sáu tháng đầu đầu năm 2014, Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá 5 đường dây môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài, bắt 34 đối tượng, giải cứu 21 nạn nhân trong và ngoài tỉnh.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cảnh báo: “Nhiều đường dây có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người Việt Nam với đối tượng người Trung Quốc lừa phụ nữ tại các tỉnh, thành phía Nam bán sang biên giới dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng không tổ chức đưa đàn ông nước ngoài về Việt Nam chọn vợ mà đã làm thủ tục để đưa các phụ nữ Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài để bán (dưới hình thức du lịch). Sau đó, tổ chức đám cưới, đăng lý kết hôn rồi mới trở về Việt Nam nộp hồ sơ xin ghi chú đăng lý kết hôn. Rất nhiều trường hợp bị bán qua biên giới nhưng họ không biết mình bị lừa”.

Tiền giang chưa phát hiện tình trạng mua bán người

Bà Trần Kim Mai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa xảy ra tình trạng mua bán người ra nước ngoài và mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ. Nhưng đã phát hiện một số trường hợp từ nơi khác đến để tìm phụ nữ lên TP Hồ Chí Minh giới thiệu cho người nước ngoài xem mặt. Đa số phụ nữ muốn kết hôn với người nước ngoài do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng nông thôn, làm nghề nông vất vả nên mong ước lấy chồng nước ngoài để có tiền cho cha mẹ hoặc đổi đời. Nhưng chỉ có một số ít, có cuộc sống hạnh phúc, còn lại có cuộc sống rất khó khăn, vất vả, nhiều trường hợp kết hôn chỉ là hình thức để đưa phụ nữ ra nước ngoài để bán.

Văn Vĩnh
.
.
.