Hội nghị thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên

Thứ Tư, 30/07/2014, 12:03
Ngày 30/7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Công văn số 588/TTg-ĐP của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, chính sách đối với các huyện miền núi giáp Tây Nguyên và triển khai một số chủ trương, chính sách mới của Thủ tướng Chính phủ đối với vùng Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận vùng Tây Nguyên…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đánh giá cao những kết quả đạt được của các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc thực hiện Công văn số 588/TTg-ĐP thời gian qua. Qua đó, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các huyện miền núi giáp Tây Nguyên nói riêng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Công văn 588/TTg-ĐP cho thấy, ngay sau khi có Công văn số 588, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đôn đốc các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, từ cuối năm 2009 đến đầu 2011, đã có 21/29 huyện nhận được 366 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đặc thù hỗ trợ mục tiêu theo Công văn 588/TTg-ĐP. Số kinh phí này đã được đầu tư vào 83 đề án, tập trung vào 4 nhóm chủ yếu: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ cấp điện cho thôn buôn chưa có điện, kinh phí lắp đặt công tơ điện cho các đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng mạng truyền thanh cơ sở; mua nông cụ, máy chế biến sản phẩm nông nghiệp; thu hút cán bộ trẻ về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ y tế, giáo dục… Sự hỗ trợ trên đã góp phần hỗ trợ thêm nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung đi sâu đánh giá, thảo luận, làm rõ một số vấn đề như: Đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện Công văn số 588 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất cơ chế đặc biệt để phát huy các sản phẩm lợi thế của vùng và tập trung nguồn lực cho việc thúc đẩy sản xuất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; việc triển khai thực hiện Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên và 21 huyện miền núi giáp Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép một số huyện miền núi giáp Tây Nguyên có điều kiện tương đồng được thụ hưởng chính sách này.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Đây là một trong những chính sách đặc thù quan trọng được Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Qua 3 năm thực hiện, việc triển khai cơ chế, chính sách này đã đạt được những kết quả tích cực.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép các huyện miền núi giáp ranh Tây Nguyên được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù như ở Tây Nguyên.

Các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, xem xét các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo các tỉnh và huyện miền núi giáp Tây Nguyên, trước mắt tập trung chỉ đạo xây dựng một số chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi giáp Tây Nguyên, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trao đổi cùng đại biểu tham dự Hội nghị.

Về việc thực hiện Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo định hướng cũng như những chỉ tiêu đặt ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Bộ Nội vụ xác định rõ yêu cầu, số lượng, chương trình, kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Bộ Nội vụ cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương được thụ hưởng xây dựng kế hoạch chi tiết và sử dụng kinh phí chặt chẽ, đúng mục đích để thực hiện đề án có hiệu quả cao nhất…

Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nhất là việc thu hút các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã khó khăn, vùng biên giới vào học tại các trường dân tộc nội trú; có định hướng ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số đối với một số ngành như nông, lâm, nghiệp, giáo dục, y tế…Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên đào tạo và bố trí việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về các địa phương công tác.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã trao số tiền 14 tỷ đồng cho 2 địa phương Gia Lai và Đắk Lắk.

Bộ Nội vụ, Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các huyện miền núi trước đây đã được hưởng chính sách theo Quyết định 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2020” được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 124.

Cũng tại Hội Nghị, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã trao số tiền 14 tỷ đồng cho chương trình an sinh xã hội về Y tế và Giáo đục cho 2 địa phương là tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Văn Thành
.
.
.