Hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị cấp cao APEC 2012

Thứ Bảy, 08/09/2012, 07:15
Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 7/9, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung được các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước và cả hai bên đều phải có trách nhiệm kế thừa, giữ gìn và phát huy.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng tình hữu nghị với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và bày tỏ vui mừng trong những năm qua, với sự nỗ lực cùng thúc đẩy của cả hai bên, quan hệ giữa hai nước không ngừng tiến lên phía trước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cho rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hai vị lãnh đạo đã nhất trí về nhiều phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới như duy trì và tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước; tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: TTXVN.

Về vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).

Trong khuôn khổ APEC 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thông điệp tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2012. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ:

Hơn bao giờ hết, các thành viên APEC chúng ta đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Đó là duy trì vai trò đầu tàu của châu Á-Thái Bình Dương trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đó cũng chính là cùng ứng phó với các thách thức đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực và của toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, chênh lệch trình độ phát triển... Trong cục diện quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, khôn lường, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung to lớn trên. Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới - tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam...

Các bạn đã đồng hành với chúng tôi trong suốt hơn 25 năm đổi mới vừa qua. Hãy tiếp tục chung tay cùng chúng tôi trong giai đoạn hết sức then chốt hiện nay và sắp tới. Chúng tôi cần các bạn đóng góp xây dựng chính sách, đề xuất và cùng triển khai các biện pháp cụ thể trong nỗ lực trên. Chúng tôi luôn lắng nghe những quan tâm của các bạn, đang và sẽ làm hết sức mình để tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh nhất để các bạn làm ăn, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ góp phần tạo nên sự năng động, thịnh vượng chung của khu vực. Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ đem lại những lợi ích cho các bạn.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 20 (APEC 20) chính thức diễn ra tại thành phố Vladivostok, Nga trong 2 ngày 8 và 9/9. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama không tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 20 vì bận chiến dịch tái tranh cử và dự đại hội đảng Dân chủ, nhưng không vì thế mà những vấn đề được thương đàm bớt đi sức nóng cũng như sự quan tâm của dư luận. Ngoại trưởng Hillary Clinton được cử thay thế Tổng thống Barack Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 20 tại Vladivostok.

Theo Tân Hoa xã, ngày 7/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Vladivostok, để thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề trọng đại khác mà hai bên cùng quan tâm trước khi Hội nghị thượng đỉnh APEC 20 chính thức khai mạc hôm 8/9 trong khuôn viên Trường Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russki, bên ngoài thành phố Vladivostok.

Được biết, quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga đã phát triển trong mấy năm gần đây và 2 nước đã tăng cường lòng tin về chiến lược và chính trị, củng cố hợp tác thương mại và kinh tế, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề lớn của thế giới và khu vực.

Dự kiến Tổng thống Putin sẽ có cuộc gặp Ngoại trưởng Hillary Clinton bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 20 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria và những vấn đề quốc tế khác mà hai bên cùng quan tâm

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.