Hoàn thiện cơ sở pháp lý về căn cước công dân, phục vụ nhu cầu đi lại, giao dịch của công dân

Thứ Tư, 12/02/2014, 21:18
Ngày 11/2, tại trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Ban chỉ đạo 896) họp phiên thứ hai, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 896. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan tham dự phiên họp.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 896, căn cước công dân giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quản lý nhà nước về dân cư. Hiện nay, nội dung liên quan đến vấn đề này mới chỉ được quy định tại các nghị định của Chính phủ (Nghị định số 05/1999/NĐ-CP, ngày 3/2/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2013). Ban Chỉ đạo nhất trí cao với việc luật hóa các quy định hiện hành về vấn đề này và nhận thấy, thời gian qua, Bộ Công an đã có nhiều cố gắng, khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự án Luật Căn cước công dân bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: việc ban hành Luật Căn cước công dân là cụ thể hóa một bước quyền tự do đi lại, giao dịch của công dân nên cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (năm 2014), đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 64/2013/QH13, ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013; theo đó, phải rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nội dung của dự thảo Luật đã bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, hộ chiếu. Về bản chất, Chứng minh nhân dân chính là thẻ căn cước công dân; tuy nhiên, tên gọi "Chứng minh nhân dân" đã được sử dụng rộng rãi từ lâu và trở nên quen thuộc đối với tất cả mọi công dân Việt Nam. Hiện nay, các giao dịch của công dân, hoạt động quản lý của các cơ quan, tổ chức và các biểu mẫu, giấy tờ hành chính cũng như các giấy tờ cấp cho công dân đều sử dụng thuật ngữ "Chứng minh nhân dân"; do đó, nếu đổi thành "Thẻ căn cước công dân" sẽ phải thay đổi nhiều quy định có liên quan và các biểu mẫu, giấy tờ hành chính hiện nay, gây tốn kém không cần thiết cho ngân sách nhà nước và xáo trộn trong các giao dịch của công dân. Tên gọi "Chứng minh nhân dân" phù hợp với dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Về cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, đây là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bởi có những thông tin trong cơ sở dữ liệu này mang tính đặc thù, không thể dùng chung như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, việc phân cấp khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu này là cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong việc thực hiện Đề án 896, đồng thời nhấn mạnh, cần chú trọng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ của Đề án, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện

C.G.
.
.
.