Hoàn thành công tác tôn tạo mốc biên giới Việt Nam-Lào trên thực địa

Thứ Ba, 09/07/2013, 14:26
Sáng 9/7/2013, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bôlykhămxay), Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam) và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (CHDCND Lào) đã tổ chức Lễ khánh thành "Cột mốc đại số 460" và Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông; Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các bộ, ban ngành liên quan của Việt Nam, Lào và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Bôlykhămxay.

Đường biên giới Việt Nam - Lào dài trên 2.067 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Lễ khánh thành “Cột mốc đại 460” tại Thanh Thủy - Nậm On đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa. Đây là thắng lợi chung của hai nước Việt-Lào trong việc xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông tại lễ khánh thành Cột mốc đại 460 (ảnh TTXVN).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh "Việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lâu dài trong quan hệ hai nước chúng ta, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước chúng ta.

Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, tôi đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp to lớn của Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới hai nước, của các Bộ, các ngành và địa phương hai nước nói chung và của các tỉnh Nghệ An, Bo Ly Khăm Xay nói riêng, đặc biệt là các lực lượng cán bộ và nhân dân hai nước đã trực tiếp tham gia vào công tác cắm mốc tại thực địa".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2014 theo đúng thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó, quan trọng nhất là việc xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

Xây dựng, đàm phán, ký kết Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu đáp ứng công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, nhất là tạo thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Đồng thời, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng biên giới và các cửa khẩu nhằm tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thiết thực mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân vùng biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông kéo băng khánh thành Cột mốc đại 460 (ảnh TTXVN).

Thay mặt đoàn công tác Chính phủ nước CHDCND Lào, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông khẳng định "Từ bao đời nay, hai nước Lào và Việt Nam đã có truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường vì sự tồn tại và sự phát triển của mỗi nước, mỗi dân tộc. Hai nước chúng ta có vị trí địa lý liền kề nhau, có núi liền núi, sông liền sông cùng với truyền thống quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhân dịp có ý nghĩa quan trọng này, tôi xin kêu gọi các Bộ, ngành hữu quan cấp trung ương, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và toàn thể bà con nhân dân của hai nước hãy đóng góp hết sức mình bảo vệ gìn giữ cột mốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và giúp đỡ nhau trên mọi mặt vì sự phồn thịnh lâu dài của hai nước.

Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn dành sự hỗ trợ quý báu, hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng của Lào chúng tôi trong suốt thời gian qua. Xin chúc cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam mãi mãi bền vững mãi mãi trường tồn"

Sông Lam
.
.
.