“Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống”: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Chủ Nhật, 15/06/2014, 09:01
Việt Nam có bờ biển dài 3.260km và trên 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm (29/64 tỉnh, thành phố ven biển với số dân chiếm khoảng ½ dân số cả nước), đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Như mọi quốc gia có biển, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có 5 vùng biển được phân định thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm: vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với khoảng trên 1.000.000 km2 bờ biển, chiếm khoảng 29% diện tích trên Biển Đông là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Điều này đã được Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1). Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng không chỉ đối với lịch sử dân tộc, mà còn là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc và đất nước ta phát triển bền vững. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, cần kết hợp chặt chẽ các nhân tố cơ bản sau đây:

Trước hết, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc và quyền chủ quyền, quyền tài phán thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo.

Biển có vai trò vô cùng quan trọng về các mặt chiến lược, phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, giao thông hàng hải đối với nước ta, đặc biệt trong thế kỷ XXI, thế kỷ được coi là “kỷ nguyên đại dương”. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp, nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị, tinh thần, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là một chủ trương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển. Việc kết hợp sức mạnh tổng hợp cần gắn tập trung xây dựng lực lượng, tiềm lực quốc phòng, an ninh với xây dựng lực lượng, thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển, đảo; xây dựng biên chế, tổ chức lực lượng phù hợp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, cần chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, hạn chế tiêu cực, tạo sự đồng thuận xã hội... Mặt khác, cần xây dựng một lực lượng vũ trang mà nòng cốt là lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư và dân quân tự vệ biển đủ mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân cùng các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia trên biển.

Hai là, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo.

Để kết hợp các biện pháp này một cách hiệu quả, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo. Bên cạnh đó, cần triển khai chặt chẽ việc phân vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo và có chính sách khuyến khích mạnh mẽ nhân dân định cư sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày. Các địa phương có biển, đảo cần có chủ trương, giải pháp, kế hoạch phù hợp nhằm tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhân dân trong quản lý bảo vệ, khai thác các lợi ích từ biển. Phát triển kinh tế biển, bên cạnh việc tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, phải có chính sách động viên, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, bao gồm cả nguồn lực trong nước và ngoài nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các vùng ven biển và hải đảo, nhất là ở các vùng biển, đảo giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Cùng với đó, tăng cường quốc phòng - an ninh kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” của đảo và bờ với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động trên biển tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời tiến hành các biện pháp ngoại giao hợp lý trên nguyên tắc vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Ba là, giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, về vấn đề biển, đảo, Việt Nam chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy nhận thức và tầm nhìn về biển, về cục diện khu vực, về lợi ích quốc gia rộng lớn, lâu dài, về độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc kết hợp với hợp tác quốc tế, trong đó quan trọng là chủ động tích cực đổi mới quan hệ với các nước láng giềng khu vực và các nước lớn liên quan. Đồng thời, tiếp tục phát huy luật pháp quốc tế, thế chính nghĩa của Việt Nam, vị trí địa lý - chiến lược của Việt Nam bên bờ Biển Đông và qua đó, tối đa hóa lợi ích quốc gia trong vấn đề Biển Đông, từ đó xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, phục vụ chấn hưng dân tộc và hiện đại hóa đất nước ta. Mặt khác, kiên trì đấu tranh ngoại giao, đàm phán với các nước láng giềng, các nước có tranh chấp thềm lục địa, vùng chồng lấn, phân chia vùng biển lịch sử và đảo; xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển

Ths. Hoàng Trung Thông
.
.
.