Hành trình đến với công chúng bộ ảnh Bác Hồ tại nhà con gái nuôi ở Pháp

Thứ Sáu, 20/05/2016, 09:16
Sau vài chục năm kể từ khi bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc đời thường về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lưu lại nhà con gái nuôi tại Pháp, năm 2016, người dân và du khách đến TP Hồ Chí Minh có dịp ngắm lại phần lớn hình ảnh này tại triển lãm “Người Việt Nam ở Pháp – Một góc nhìn”. Người đã góp sức công bố bộ ảnh này rộng rãi là ông Lê Tấn Xuân, một trong số những tay máy chụp ảnh chính của Hội người Việt Nam tại Pháp.


Ông Lê Tấn Xuân cho biết, mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời và là thượng khách của Chính phủ Pháp. Đây là chuyến thăm ngoại giao đầu tiên của Người trên cương vị là nguyên thủ quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất, bắt đầu một thời kỳ đối ngoại Việt Nam hòa bình, nhân văn và cùng phát triển. Thời điểm này, đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. 

Ông Xuân là người được Hội phân công đi theo chụp ảnh đoàn ngoại giao. Sau này ông mới biết, trong thời gian ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong đoàn đã có nhiều ngày sống trong ngôi nhà của ông bà Raymond Aubrac. Họ đã trở thành những người bạn thân thiết. 

Hình ảnh Bác Hồ và con gái đỡ đầu tại Pháp năm 1946 do ông Lê Tấn Xuân chụp và xử lý lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lời làm cha đỡ đầu cho cô con gái nhỏ mới sinh của ông bà này. Cũng chính khoảng thời gian này, rất nhiều hình ảnh của Bác trong sinh hoạt đời thường được ông Raymond Aubrac ghi lại, kể cả những khoảnh khắc Người ngả lưng nghỉ mệt cho đến cưng nựng cô con gái của vợ chồng ông Raymond Aubrac.

Sau gần nửa thế kỷ trân trọng gìn giữ, ông bà Raymond Aubrac và con gái mình mới quyết định công bố rộng rãi hơn những hình ảnh nói trên. Lý do, như cách chủ nhân của bộ ảnh chia sẻ là ông muốn mọi người hiểu hơn về Người. 

Thông qua sự giới thiệu của một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, ông Raymond Aubrac tìm đến Hội người Việt Nam tại Pháp. Tuy nhiên, ông chỉ cho phép sao chép lại chứ không hẳn trao lại toàn bộ ảnh gốc. Thời điểm này, ông Xuân vẫn vừa đi làm, vừa tranh thủ làm việc phục vụ công tác của Hội nên được cử đến nhà Raymond Aubrac để tiếp nhận, sao chép.

Được Hội tin cậy giao nhiệm vụ nhận và chuyển tải bộ ảnh về Bác, đối với ông Lê Tấn Xuân là một vinh dự lớn. Vì vậy, đúng ngày hẹn, từ sớm, ông đã chuẩn bị “đồ nghề” thật cẩn thận, vượt giá rét gõ cửa nhà ông Raymond Aubrac. Điều bất ngờ là ngoài hình ảnh, gia đình ông còn lưu giữ khá nhiều thư từ, kỷ vật quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bức thư và ảnh chân dung Bác ký tặng gia đình ông Raymond Aubrac. 

Hình ảnh nhiều, tư liệu cũng nhiều, chưa kể một số hình ảnh cũ, vì bảo quản chưa phù hợp, bị cong vênh. Để chụp lại, bà Raymond Aubrac phải kiếm cho ông tấm kính, đè lên cho phẳng. Ông Raymond Aubrac không phải người chụp ảnh chuyên nghiệp nên hầu hết các hình ảnh không chuẩn về ánh sáng. Khi chụp lại, ông Xuân đều phải tính toán cho phù hợp. 

Với sự hỗ trợ tối đa từ gia chủ, sau quá nửa ngày miệt mài, công việc cũng kết thúc. Mang toàn bộ số phim về, ông Xuân tập trung xử lý quên cả buổi tối và ngày nghỉ. 

Giám đốc công ty ông hiểu và thông cảm nên ông được sử dụng nơi làm việc khá thoải mái. Sau này, công việc hoàn thiện, ông còn gửi tặng ông bà Raymond Aubrac một bộ ảnh ông đã chụp và xử lý lại. Nhận lại bản sao những đứa con tinh thần của chính mình, ông Raymond Aubrac đã viết thư cảm ơn ông Xuân và cho biết, ông thật sự cảm kích vì ông Xuân “đã bỏ công sức, tỉ mỉ khôi phục lại các bức ảnh có chất lượng không cao để chúng hoàn thiện hơn”.

Ông Lê Tấn Xuân giới thiệu với công chúng hình ảnh các sự kiện liên quan đến Bác Hồ tại Pháp.

Ngay sau khi bộ ảnh được xử lý xong, Hội người Việt Nam tại Pháp đã sử dụng phục vụ rất nhiều hoạt động của Hội, trong đó, triển lãm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt lẫn người Pháp.

Chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm đặc biệt này, ông Lê Tấn Xuân cho biết thêm, ông và rất nhiều thanh niên người Việt tại Pháp trước đây luôn vững niềm tin hướng về Tổ quốc và mong muốn đóng góp sức mình để giữ gìn truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, mong muốn hòa bình cho quê hương và luôn ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Vinh dự được chụp bộ ảnh, thư, kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trên nhưng ông còn vui và tự hào hơn khi những hình ảnh ấy đã được phát huy, tạo thêm cơ hội để người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế có thể tiếp xúc, hiểu thêm tư tưởng vĩ đại và lối sống nghĩa tình của Bác Hồ kính yêu...

N.Nguyễn
.
.
.