Hạn chế thấp nhất nạn tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai

Thứ Tư, 10/10/2012, 04:34
Ngày 9/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến của các doanh nghiệp về Luật Đất đai”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi, các chuyên gia về lĩnh vực đất đai, đại diện các hiệp hội và các luật sư.

Theo dự kiến, khoảng giữa năm 2013, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ trình Quốc hội. Hiện nay, Ban dự thảo đã hoàn thành bản dự thảo và đưa ra dự thảo Luật Đấët đai để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Tại cuộc hội thảo ngày 9/10, rất nhiều ý kiến đóng góp về nội dung dự thảo và đề xuất thêm những nội dung khác cần đưa vào Luật để trình Quốc hội thông qua. Những vấn đề như: nguyên tắc xác định giá đất, thời gian giao đất nông nghiệp, hạn mức chuyển nhượng, giải quyết tranh chấp đất đai, thu hồi đất, giá đất, hệ thống văn bản pháp lý về đất đai... được đưa ra thảo luận rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để khi đưa vào Luật được áp dụng một cách dễ dàng, tránh tình trạng như hiện nay là có quá nhiều văn bản hướng dẫn làm cho “rối như canh hẹ”.

Ông Đặng Hùng Võ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, cơ chế chuyển dịch đất đai từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hiện nay dễ dẫn đến tham nhũng. Ông viện dẫn, trong các năm 1998 – 2003, doanh nghiệp mong được chuyển nhượng đất từ hộ gia đình, cá nhân và ngược lại, hộ gia đình, cá nhân cũng có mong muốn này. Doanh nghiệp chuyển nhượng được đất, sau đó mới xin phép UBND giao đất.

Luật Đất đai 2003 có cơ chế thỏa thuận giá đất. Thế nhưng sau đó cách này không áp dụng rộng rãi được vì một số người đang sử dụng đất đòi giá cao, doanh nghiệp lại không đáp ứng nên tạo ra khoảng cách giữa hai bên. Không thể đòi hỏi sự đồng thuận 100% mà theo ông Võ, chúng ta nên áp dụng 2/3 ý kiến đồng ý là ổn. Ngoài ra, giá đất cũng liên quan trực tiếp đến tham nhũng, khiếu kiện. Vì thế, vấn đề có khung giá của Chính phủ hay không không quan trọng mà phải gần với thị trường. Ông Võ cũng phản đối ý kiến cho rằng, cần áp dụng cơ chế thu hồi đất đai cho mọi trường hợp.

Ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty Tư vấn Vfam cho rằng, Luật Đất đai hiện hành có nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất hở; việc xác định giá đất chưa thống nhất; phân cấp quản lý về đất đai quá rộng; quy định về tiền sử dụng đất đai, thời hạn giao đất nông nghiệp  không hợp lý; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá nhiều... Đây là những vấn đề cần được tháo gỡ và sửa đổi trong Luật Đất đai. Ông Tiền nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ không có tác dụng gì trong cuộc sống nếu chưa tháo gỡ được những vấn đề nêu trên. Hiện tại, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa đáp ứng được yêu cầu trên.  

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mục đích sửa đổi Luật để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành. Quan điểm xây dựng Luật của ông là đất đai phải được xem vừa là tài nguyên vừa là tài sản, là nguồn lực quý báu cho phát triển, việc sử dụng phải hiệu quả; ngăn chặn các kẽ hở tạo điều kiện cho lạm quyền, lãng phí và tham nhũng... Về cơ chế thu hồi đất, ông Liêm đề nghị không thu hồi mà trưng mua đất vì lợi ích công cộng và xác định rõ nội hàm của lợi ích công cộng.

Nhiều ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai lần này chỉ ra rằng, nội dung dự thảo không có bước đột phá. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá cho rằng, nên coi giá đất là vấn đề trọng tâm. Nên định giá đất theo giá thị trường. Ông Tuấn chỉ ra, việc ban soạn thảo thay cụm từ “sát với giá thị trường” trong Luật Đất đai năm 2003 bằng “phù hợp với giá thị trường” là đi... thụt lùi. Trong thực tế, có những nơi không có giá đất thị trường (ví dụ với đất nông nghiệp). Thế nên, ông kiến nghị nên tính giá theo phương pháp thu nhập (ví dụ với đất nông nghiệp thì theo giá nông sản thu được trong từng vụ, từng năm...).

Ông Đỗ Trọng Hải, Công ty Luật Bizlink cũng chỉ ra cái mới trong dự thảo là đưa ra vấn đề hệ thống thông tin đất đai. Tuy nhiên, việc để cho Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý, công bố thông tin về lĩnh vực này là không phù hợp mà nên để ở cấp quận/huyện để người dân dễ tiếp cận hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, hội thảo ghi nhận nhiều đóng góp để ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội. Những vấn đề như hạn chế tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này cũng được đặt ra. Dự thảo luật cũng đưa ra quy định thu hẹp đối tượng giao đất, công khai minh bạch trong lĩnh vực đất đai.... Ban dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để cho ra dự thảo phù hợp với tình hình thực tiễn trước khi trình Quốc hội thông qua.

Khắc phục hạn chế, tồn tại của Luật Đất đai hiện hành là mục tiêu của việc sửa đổi Luật Đất đai. Thế nên, những đóng góp trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi rất cần thiết. Thông qua đây, Ban soạn thảo cần tiếp thu, nếu hợp lý đưa vào Luật. Người dân trông chờ Luật Đất đai sửa đổi khi ban hành sẽ giúp cho việc quản lý lĩnh vực này tốt hơn

Cao Hồng
.
.
.