Hà Nội nên chọn phương án xây 3 cổng chào trước

Thứ Ba, 29/06/2010, 11:50

"Nếu thành phố làm được những chiếc cổng chào đẹp, không quá tốn kém, thì chắc là nhân dân cũng đồng tình. Tuy nhiên, hiện đang có những ý kiến băn khoăn về sự cần thiết, về phác thảo mẫu cổng và kinh phí xây dựng, về vị trí đặt cổng chào, v.v… Vì vậy, tôi đề nghị UBND thành phố cần khẩn trương cân nhắc, nên chăng chỉ làm trước 3 cổng, trên cơ sở lựa chọn những tuyến đường, những kiểu dáng thiết kế đã có sự đồng thuận cao. ", Bí thư Phạm Quang Nghị chỉ đạo.
>> Cổng chào Hà Nội sẽ chỉ là xây tạm

5 cổng chào với dự kiến kinh phí 50 tỷ đồng được đặt ở 5 trục đường giao thông lớn của Hà Nội đang được dư luận chú ý. Đã có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về vị trí, kinh phí… của các công trình này. Bên cạnh vấn đề cần cân nhắc giữa lợi ích và điểm nhấn kiến trúc của các cổng chào, nhiều ý kiến cho rằng, UBND TP Hà Nội nên lựa chọn phương án tối ưu để tránh lãng phí, dành tiền cho các công trình khác thiết thực, dân sinh hơn.

Kinh phí không quá lớn

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, việc xây dựng 5 cổng chào nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1470/QĐ - TTg về việc phê duyệt đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm.

Trước chủ trương này của Hà Nội, nhiều kiến trúc sư có kinh nghiệm trong việc quản lý và quy hoạch đô thị cũng đã lên tiếng ủng hộ. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Hà Nội cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, các công trình kiến trúc ở nơi ra vào của một đô thị cũng chính là cổng chào. Ví dụ như Pháp, Italia... đều có Khải Hoàn Môn. Ngay Hà Nội cổ trước đây là Hoàng thành cũng có đánh dấu cửa ô. Vì thế, theo ông Nghiêm, đây là công trình nên làm.

Việc xây dựng 5 cổng chào cũng đang được người dân quan tâm. Nhiều người tò mò, háo hức muốn biết 5 cổng chào của Hà Nội hình thù, chất liệu thế nào. Theo ông Bình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã trình các phương án và được Thành ủy, UBND TP Hà Nội thống nhất cơ bản xác định phương án 4 cổng chào (tuyến quốc lộ 1, tuyến Thăng Long - Nội Bài, tuyến Láng Hòa Lạc và tuyến đường đi Lạng Sơn).

Ở phía Tây, đường Láng - Hòa Lạc hướng về dãy núi Ba Vì với ngọn Tản Viên in đậm dấu ấn huyền thoại dân tộc, cũng là trục đường quan trọng kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc như Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên... nên ý tưởng thiết kế sử dụng hình tượng Trống đồng vươn lên từ đất và nước, hình ảnh khởi thủy của Nhà nước Âu Lạc.

Trên trục đường Hà Nội - Lạng Sơn (khu vực tiếp giáp huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), nơi phát tích nhà Lý với Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long, ý tưởng thiết kế sử dụng hình tượng 8 con rồng chầu xung quanh một cung tròn, hướng vào trung tâm là logo biểu trưng Hà Nội. 8 con rồng là vật linh thời Lý, tượng trưng cho sự phát tích của nhà Lý và công lao vun đắp xây dựng khai sáng Thăng Long.

Tại khu vực đầu đường quốc lộ 1 (khu vực tiếp giáp tỉnh Hà Nam), ý tưởng thiết kế sử dụng hình tượng những cánh chim Lạc Việt (có trong hoa văn Trống đồng Đông Sơn) biểu trưng cho con Lạc, cháu Hồng, như những cánh chim không mỏi đi khắp chiều dài đất nước để bảo vệ, vun đắp và xây dựng Tổ quốc, một lòng luôn hướng về Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trên trục đường vào sân bay Nội Bài, cửa ngõ Hà Nội giao lưu quốc tế, ý tưởng thiết kế sử dụng hình tượng Trống đồng được cách điệu thành hình dáng cổng chào. Ở đây, hình tượng Trống đồng cũng là hình ảnh tiêu biểu của dân tộc, khách quốc tế qua đây sẽ được cảm nhận hình ảnh Nhà nước Âu Lạc thuở xa xưa, là nguồn gốc khởi thủy, để xây dựng nên một Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi.

Riêng đường 5 đi Hải Phòng, theo ông Bình, đơn vị tư vấn cần tiếp tục hoàn chỉnh, báo cáo liên ngành và UBND TP để phê duyệt sau. Dự kiến, trên QL5, đi Hải Phòng, trục tuyến hướng ra biển Đông với những chiến công giữ nước lẫy lừng, ý tưởng thiết kế sử dụng hình tượng hàng cột gỗ cổ truyền, mô phỏng sự vững chắc, khỏe khoắn như những cột buồm, mạnh mẽ, uy nghiêm như cọc Bạch Đằng, hướng về Thủ đô 1000 năm tuổi.

Mô hình cổng chào trên trục đường cao tốc Nội Bài.

Cổng chào phải gắn với ý nghĩa lịch sử

Tuy nhiên, kiến trúc của 5 cổng chào này chính là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Điều khiến ông e ngại không phải là tốn kém tiền bạc, mà là hình thức tổ chức không gian cổng chào, phải gắn công trình với ý nghĩa lịch sử. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, chủ trương xây dựng 5 cổng chào là đề mục công việc nằm trong kế hoạch các công trình kỷ niệm 1000 năm đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phê duyệt và giao cho thành phố Hà Nội thực hiện.

"Nếu thành phố làm được những chiếc cổng chào đẹp, không quá tốn kém, thì chắc là nhân dân cũng đồng tình. Tuy nhiên, hiện đang có những ý kiến băn khoăn về sự cần thiết, về phác thảo mẫu cổng và kinh phí xây dựng, về vị trí đặt cổng chào, v.v… Vì vậy, tôi đề nghị UBND thành phố cần khẩn trương cân nhắc, nên chăng chỉ làm trước 3 cổng, trên cơ sở lựa chọn những tuyến đường, những kiểu dáng thiết kế đã có sự đồng thuận cao. Trước mắt, chưa nên xây dựng những cổng chào vĩnh cửu, tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, để có thể tháo ra làm lại khi cần thiết. Đồng thời, cũng rà soát, tính toán kỹ lại phương pháp thi công, dự toán kinh phí sao cho ít tốn kém nhất", Bí thư Phạm Quang Nghị chỉ đạo.

Và theo chúng tôi được biết, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân, các chuyên gia, hiệp hội nghề nghiệp về các phương án thiết kế trên đây để khẩn trương vi chỉnh, hoàn thiện trước khi chính thức khởi công xây dựng.

5 cổng chào đã xác định được vị trí cụ thể. Theo đó, vị trí phía Nam nằm trên QL1A, thuộc địa phận thôn Cổ Trai, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, đoạn tiếp giáp Cầu Giẽ. Ở phía Bắc, cổng chào được đặt trên đường đi cảng hàng không quốc tế Nội Bài, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, đoạn tiếp giáp điểm ngã tư Nội Bài - QL2. Ở phía Tây, vị trí được chọn nằm trên đường Láng - Hòa Lạc, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, đoạn thuộc (Km13 + 500). Khu đất này nằm trong vùng quy hoạch là hành lang xanh, phù hợp để GPMB xây dựng. Ở phía Đông Bắc, vị trí đặt cổng chào sẽ nằm trên QL1 đi Lạng Sơn, thuộc địa phận xã Ninh Hiệp - Gia Lâm (Km 152+500), đoạn sát Khu công nghiệp Ninh Hiệp, tiếp giáp Bắc Ninh. Vị trí ở phía Đông nằm trên QL5 đi Hải Phòng, thuộc địa phận xã Dương Xá - Gia Lâm (Km 9+700).

N. Yến
.
.
.