Hà Nội "bí" phương án chống ùn tắc giao thông

Thứ Sáu, 11/12/2009, 09:52
Về vấn nạn ùn tắc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã thừa nhận: "Với tốc độ tăng phương tiện giao thông như bây giờ, rõ ràng tình trạng ùn tắc khó có thể tháo gỡ được..."

Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội khóa XIII đã dành trọn buổi sáng để các đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND TP về các vấn đề bức xúc chưa được giải quyết của Thủ đô. Hàng chục câu hỏi đã được nêu ra nhưng dường như phần trả lời không đầy đủ và thỏa đáng, chưa đáp ứng được mong muốn của các đại biểu.

Bí phương án giải quyết ùn tắc giao thông

Vấn đề nóng được các đại biểu chọn chất vấn sáng ngày làm việc thứ 3 là nạn ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng. Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng thừa nhận, các giải pháp phân luồng giao thông như hiện tại chỉ là tạm thời. Nhưng trước mắt, đến năm 2010, UBND TP vẫn tiếp tục triển khai chống ùn tắc giao thông.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, hiện nay, ngân sách đầu tư cho đường vành đai 1, vành đai 2 chưa nhiều, nhưng năm 2010 sẽ triển khai làm tuyến Ô Chợ Dừa - Voi Phục và đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng.

Đại biểu Trần Trọng Hanh nêu ý kiến, TP nếu phát triển chuỗi đô thị vệ tinh sẽ dẫn tới tình trạng giao thông con lắc và càng làm tình trạng giao thông trở nên phức tạp hơn. Đại biểu Bùi Thị An cũng yêu cầu lãnh đạo TP cần có biện pháp xử lý chính các đơn vị xây dựng đường giao thông nhưng làm chậm và gây cản trở giao thông như trên tuyến đường Lạc Long Quân.

Về vấn nạn ùn tắc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã thừa nhận: "Với tốc độ tăng phương tiện giao thông như bây giờ, rõ ràng tình trạng ùn tắc khó có thể tháo gỡ được, giải pháp dài hạn là sẽ đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị, triển khai một số tuyến buýt nhanh, xây dựng thêm các cầu vượt...".

Vi phạm VSATTP ngày càng nghiêm trọng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình, trên địa bàn TP còn tới 48% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không được cấp giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP. Trong khi Hà Nội cũ cấp được 78%, thì Hà Tây cũ đạt tỷ lệ rất thấp, nên đã kéo tỷ lệ chung xuống.

Trong thời gian tới, TP sẽ củng cố, kiện toàn mạng lưới quản lý VSATTP đến xã, phường; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về VSATTP; tăng cường tuyên truyền về VSATTP; phân rõ trách nhiệm các ngành, các cấp về quản lý VSATTP; kiểm tra, xử lý vi phạm và xây dựng đề án "Tăng cường các biện pháp bảo đảm VSATTP, nâng cao chất lượng thực phẩm, đảm bảo thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng".

Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã tỏ ý không bằng lòng. Theo đại biểu Bùi Thị An, TP đã có nhiều giải pháp, nhưng vấn đề quan trọng là các giải pháp đó có đi vào thực tế và hiệu quả không? Ông Bình thừa nhận: "Vấn đề này UBND TP có nhận thấy là hiệu quả chưa cao, vùng rau an toàn chưa xây dựng được, kiểm soát thực phẩm trên thị trường vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn".

Hà Nội chưa triển khai được vùng rau an toàn và giết mổ tập trung.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thời gian qua, các vụ việc mất VSATTP trên địa bàn được phát hiện ra không phải là từ các cơ quan chuyên môn của TP, mà là do cơ quan Công an. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Sở Công Thương…, trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở, cán bộ thú y, ngành Y tế tại địa bàn ở đâu? Đại biểu này cho rằng, các vụ việc vi phạm VSATTP phát hiện ra không phải là họ kinh doanh chui lủi mà rất công khai và chính quyền địa phương đều biết, nhưng không xử lý nghiêm khắc.

Đại biểu Phạm Thị Thành cũng bức xúc cho rằng, chúng ta (các cấp chính quyền) đã quá coi thường vấn đề VSATTP, ăn chất độc vào người đã trở thành thói quen nhưng hại cho đời con cháu. Bà Thành nêu so sánh, ở Trung Quốc sau khi phát hiện "sữa bẩn", đã có 3 đối tượng bị tử hình, còn ở Việt Nam chưa thấy trường hợp nào bị khởi tố hình sự vì vi phạm VSATTP. 

Kết thúc phần chất vấn về vấn đề VSATTP, đại biểu Nguyễn Việt Hưng nhận xét, thực trạng VSATTP ngày càng xấu đi. Và các đại biểu đều mong muốn lãnh đạo TP cần có những biện pháp quyết liệt hơn, xử lý nghiêm khắc hơn các địa phương để xảy ra tình trạng mất VSATTP mà không quản lý được. Đồng thời, TP cần công khai những địa chỉ kinh doanh thực phẩm đã được kiểm định, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm... để dân biết mà lựa chọn, giám sát

Ngọc Yến
.
.
.