Hà Nội: Xử phạt nguội, vi phạm giao thông giảm

Thứ Hai, 26/11/2007, 16:15
Sau hơn một tháng triển khai hình thức "xử phạt nguội", ý thức người tham gia giao thông tại Hà Nội đã được nâng lên, tình trạng vi phạm của học sinh đã giảm so với trước.

Đầu giờ sáng, khi chúng tôi có mặt tại Đội Khám nghiệm thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thì các chiến sỹ tại đây đang vùi đầu vào công việc.

Mỗi ngày có 7 tổ "đặc nhiệm" làm việc tại các điểm nóng:

Ngoài công việc chuyên môn bình thường, từ giữa tháng 10/2007 đến nay, các anh còn phải đảm nhận thêm nhiệm vụ mới đó là áp dụng hình thức xử phạt các hành vi vi phạm TTATGT theo hướng dẫn của Thông tư số 11/2007/TT-BCA ngày 31/8/2007 của Bộ Công an Hướng dẫn thi hành một số điều của quy định về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng CSND trong hoạt động TTKS về TTATGT.

Trung tá Lương Đình Hợi, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết: Ngoài lực lượng của Phòng CSGT hiện nay đã thành lập được 7 tổ tại 7 đội CSGT (các đội phụ trách khu vực nội thành) trên địa bàn thành phố.  Ngoài lực lượng CSGT, các tổ công tác này còn có sự phối hợp với lực lượng CS113, Công an các phường trong quá trình thực hiện ghi hình, xử phạt.

Tại mỗi tổ được trang bị 1 camera và 1 máy ảnh. Về kế hoạch thời gian ghi hình cũng như địa bàn khu vực thường xuyên được thay đổi một cách linh hoạt. Tuy nhiên các nút giao thông, khu vực ngã ba, ngã tư; khu vực gần trường học... là những địa điểm được tập trung nhiều nhất.

Theo Trung tá Lương Đình Hợi, không chỉ "xử phạt nguội" mà thông qua việc ghi hình tại hiện trường, các anh đã phối hợp xử phạt được nhiều trường hợp ngay tại chỗ. Cũng phải nói thêm rằng: Thời điểm những năm 2003 - 2004, Công an TP Hà Nội cũng đã có cách làm tương tự.

Những vi phạm giao thông được phát hiện qua các camera tại các nút giao thông chuyển về Trung tâm Tín hiệu và lập tức được cung cấp cho các đội cơ động đang có mặt trên đường tiếp cận xử lý.

Theo các cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thì qua một thời gian ghi hình xử phạt đã cho thấy phần lớn các lỗi vi phạm là lỗi: Không chấp hành tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm... Trung bình mỗi buổi ghi hình phát hiện từ 3-5 trường hợp. Giải thích những băn khoăn của chúng tôi rằng việc tiến hành "xử phạt nguội" liệu có khả thi khi phải qua khá nhiều bước hay không?

Trung tá Lương Đình Hợi cho biết: Mục đích chính của biện pháp này tập trung chủ yếu răn đe, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, đặc biệt đối với học sinh. Việc ghi hình, chụp ảnh được các anh tiến hành cẩn thận, rõ ràng để có đủ căn cứ xử lý đối với người vi phạm.

Ví dụ như đối với tình trạng học sinh đi xe máy đến trường học, vi phạm giao thông, lực lượng CSGT cũng sẽ chú trọng ghi hình, chụp ảnh xác định rõ học sinh trường nào và sau đó sẽ có văn bản thông báo về nhà trường. Theo Trung tá Hợi, để xử lý được những trường hợp vi phạm  cũng là cả một vấn đề. Từ việc ghi hình, chụp ảnh, xác định biển số xe, chủ xe, mời các chủ xe đến xử lý...

Tuy nhiên với mục đích cảnh báo, nhắc nhở tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, lực lượng CSGT sẽ quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều đáng ghi nhận là sau hơn một tháng triển khai hình thức "xử phạt nguội", ý thức người tham gia giao thông đã được nâng lên,  tình trạng vi phạm của học sinh đã giảm so với trước.

Xử phạt đúng quy trình, công khai, minh bạch

Vừa qua, có khá nhiều bạn đọc đã điện thoại đến đường dây nóng của Báo CAND nêu thắc mắc: lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ đo tốc độ, ghi hình xử phạt có được phép mặc thường phục hay không?

Về vấn đề này, Thông tư số 11/2007/TT-BCA (C11) ngày 31/8/2007 Hướng dẫn thi hành một số điều của quy định về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động TTKS về trật tự ATGT đã quy định rõ: mọi kết quả thu thập được qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm các bản ảnh, hình ảnh về sự vi phạm của người hoặc phương tiện tham gia giao thông thu được bằng camera, máy ảnh, máy đo tốc độ ghi hình, máy định vị vệ tinh... đều được coi là chứng cứ để lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư,   phương tiện thiết bị kỹ thuật được đặt tại các địa bàn, Trạm CSGT hoặc tại các vị trí trên luồng, tuyến giao thông bao gồm: Trên các cột trụ; trên xe ôtô, môtô, tàu, thuyền tuần tra do cán bộ, chiến sỹ CSND mặc trang phục Cảnh sát hoặc mặc thường phục chịu trách nhiệm trực tiếp thao tác, sử dụng.

Thông tư này quy định rõ: Khi ghi nhận được hành vi vi phạm về TTATGT của người và phương tiện tham gia giao thông qua các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trực tiếp thao tác hoặc qua các hệ thống ghi, chụp tự động) cán bộ, chiến sỹ CSND ra hiệu lệnh dừng đối tượng có vi phạm theo quy định, thông báo lỗi vi phạm; nếu người vi phạm có yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được thì phải cho xem, sau đó lập biên bản vi phạm và xem xét ra quyết định xử phạt.

Trường hợp không dừng được ngay đối tượng vi phạm để lập biên bản, thì Trưởng phòng nghiệp vụ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện trở lên có văn bản gửi chủ phương tiện vi phạm thông qua Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết

Xuân Luận
.
.
.