Gửi gắm niềm tin tới Đại hội XI của Đảng (6)

Thứ Bảy, 15/01/2011, 11:30
Đại tá Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên: Đại hội XI sẽ đề ra quyết sách mới thúc đẩy Tây Nguyên phát triển với tốc độ nhanh.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và quan trọng. Có được thành quả đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên. Tuy vậy, Tây Nguyên vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn về kinh tế -  xã hội và những tiềm ẩn phức tạp về an ninh, quốc phòng.

Theo suy nghĩ của tôi, muốn phát triển Tây Nguyên nhanh về kinh tế, ổn định về xã hội, trong nhiệm kỳ 5 năm 2011 - 2015, các cấp uỷ Đảng ở địa phương ngoài việc tiếp tục bám sát định hướng lớn của Bộ Chính trị đã được nêu trong Nghị quyết 10 để cụ thể hoá và lãnh đạo thực hiện, cần có những giải pháp mang tính chất đột phá trong thời kỳ mới.

Về kinh tế, cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông và thủy lợi, bằng việc đổi mới cơ chế, chính sách một cách thông thoáng, hấp dẫn để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút vốn, công nghệ ngoài nước và trong nước, tập trung giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động tại chỗ, tạo việc làm và có chính sách thu hút lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nông, lâm trường… để ổn định nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội nổi lên, đảm bảo an sinh xã hội; về xây dựng hệ thống chính trị, cần có chính sách đặc thù thu hút, phát triển nguồn nhân lực ở Tây Nguyên. Đặc biệt coi trọng nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, có kế hoạch đào tạo và bố trí sử dụng hợp lý trong hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên môn, đảm bảo cho bộ máy lãnh đạo, quản lý, điều hành vận hành thông suốt từ tỉnh xuống cơ sở; về quốc phòng, an ninh, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho các lực lượng vũ trang, thấm nhuần quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, tạo thành "bức tường lửa" vô hiệu hóa mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Tình hình an ninh Tây Nguyên hiện nay cơ bản ổn định, nhưng còn tiềm ẩn những phức tạp khó lường bởi vì các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu kích động chống phá. Do đó, lực lượng an ninh Tây Nguyên và Công an các tỉnh Tây Nguyên ngoài những giải pháp về mặt nghiệp vụ, pháp luật, ngoại giao… để đấu tranh, phòng chống âm mưu, hoạt động của địch, cần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền những giải pháp về kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tập trung vào 3 vấn đề cơ bản: nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhất là chọn lọc, đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số để bố trí tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở nhiều hơn, có chất lượng hơn, đủ sức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xử lý, giải quyết tại chỗ những vấn đề bức xúc xã hội và an ninh - trật tự ở cơ sở.

Tôi tin Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ có nhiều quyết sách mới, thúc đẩy các tỉnh Tây Nguyên phát triển với tốc độ nhanh hơn

PV(Ghi)
.
.
.