Giao cả đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, sản xuất... xuất nhập khẩu vũ khí là hoàn toàn phù hợp

Thứ Sáu, 02/06/2017, 21:14
Điều 17 về “Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí” là điểm gây tranh cãi lớn nhất trong phiên thảo luận chiều 2-6. 

Văn bản giải trình, tiếp thu của UBTVQH đưa ra 2 phương án: thẩm quyền này thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và phương án 2 là chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được làm. 

Một số ĐB nghiêng về phương án 2, nhưng số đông hơn các ĐB nghiêng về phương án 1 vì sự phù hợp cả về pháp lý và thực tiễn. 

ĐB Lê Tấn Tới đề nghị chọn phương án 1 vì nó phù hợp với Điều 68 Hiến pháp về xây dựng công nghiệp quốc phòng – an ninh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng – an ninh theo hướng lưỡng dụng. Thêm vào đó, quy định này còn phù hợp với tính đặc thù trong công tác của lực lượng công an nhân dân là đơn tuyến, bí mật, cần vũ khí, vật liệu nổ chuyên dùng. Thời gian qua, Bộ Công an đang thực hiện tốt việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí... không gặp vướng mắc gì, phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, tiếp thu về dự án luật

Điều này nhận được sự đồng tình của ĐB Trần Ngọc Khánh, ĐB Đào Thanh Hải, Sùng Thìn Cò... 

Phát biểu tranh luận tại hội trường, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng về cơ sở pháp lý của phương án 1 là hoàn toàn phù hợp như các ĐB trước đó đã phát biểu. “Đây là vấn đề Đảng đã đưa ra chủ trương, đường lối, đã tính toán và cân nhắc rất kỹ nhằm xây dựng lực lượng công an ngày càng chính quy, hiện đại; muốn vậy, phải hoàn toàn chủ động trong chế tạo, mua sắm, sửa chữa, sản xuất các loại vũ khí. Nếu một số ĐB lo ngại về chồng chéo giữa 2 bộ thì việc phân định danh mục vũ khí sản xuất giữa 2 bộ hoàn toàn làm được. Thực hiện theo phương án 2 thì tôi cho rằng đó mới là lãng phí, vì hiện Bộ Công an đã có một số đơn vị đi vào sản xuất, triển khai rất tốt việc sửa chữa, mua sắm, chế tạo vũ khí phù hợp với lực lượng công an và các lực lượng khác được công an trang bị vũ khí như kiểm lâm, hải quan và cả cơ quan điều tra của Viện kiểm sát. Nếu lực lượng công an không được sử dụng doanh nghiệp của mình để sản xuất sửa chữa thì hoàn toàn bị động.

Trước nhiều ý kiến tranh luận về điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết thực ra báo cáo tiếp thu giải trình đã có, theo đó UBTVQH đã thảo luận kỹ và thống nhất đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng giao tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ; đồng thời có tính đến việc các doanh nghiệp dân sự tham gia khi có đủ điều kiện nhưng không được tham gia hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu vũ khí. 

Đại diện cho cơ quan chủ trì, soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đây là dự án được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, quá trình soạn thảo cũng được nhân dân, các bộ, ban, ngành, ĐBQH đặc biệt quan tâm. Qua các ý kiến góp ý cho thấy các ĐB rất tâm huyết với dự án luật, có nhiều ý kiến sâu sắc, phù hợp với thực tiễn để hoàn thiện dự án. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tiếp thu, chỉnh lý để trình ra Quốc hội thông qua dự án luật này vào ngày 20-6. 


Vũ Hân
.
.
.