Giám sát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn

Chủ Nhật, 29/11/2020, 07:02
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển đất nước; luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức tổng kết thực tiễn. Riêng trong 2 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, Trung ương đã tổ chức nhiều đợt tổng kết công tác phòng chống tham nhũng quy mô lớn. Nổi bật là Hội nghị tổng kết toàn quốc năm 2014, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) năm 2016…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội thảo.

Qua các lần sơ kết, tổng kết, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được đúc kết, từ đó giúp Trung ương tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quan điểm, chủ trương, phương châm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra được những giải pháp thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua kết quả điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, với phương châm "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", một số bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Theo đó, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan Đảng trong việc xử lý kỷ luật của Đảng, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Quá trình điều tra phải tập trung làm rõ bản chất của vụ án, vụ việc; phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để quyết định xử lý một cách phù hợp.

Ngoài ra, cần nêu cao bản lĩnh và tinh thần tấn công trấn áp tội phạm của cán bộ tham gia điều tra, xử lý án tham nhũng; muốn đấu tranh có hiệu quả thì trước hết lãnh đạo, cán bộ điều tra án tham nhũng phải thực sự trong sạch.

"Cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, nhất là trong phối hợp giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, đường lối xử lý, công tác giám định, định giá tài sản…", Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý.

Kết luận Hội thảo, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, các ý kiến, tham luận đã làm rõ, sâu sắc hơn các luận điểm, nội dung được đề cập trong dự thảo Báo cáo tổng kết. Các ý kiến đều khẳng định, tham nhũng tồn tại ở hầu hết các quốc gia chứ không phải chỉ có ở Việt Nam, không phải chỉ có ở nước phát triển, nước nghèo. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Để kiểm soát quyền lực, các đại biểu đề cập đến 3 nhóm giải pháp. Theo đó, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, thực hiện nghiêm thể chế, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu, kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và giám sát trong mỗi cơ quan này; giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, báo chí, nhân dân và toàn xã hội. Ngoài ra, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, quản trị quốc gia như công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt… từ đó góp phần bịt kín sơ hở, kiểm soát chặt chẽ tiến tới không thể tham nhũng.

Nhóm giải pháp thứ hai là phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai mọi hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ lên án tham nhũng, tạo sức răn đe để không dám tham nhũng.

Nhóm giải pháp thứ ba là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tham nhũng, phòng chống tham nhũng; giáo dục liêm chính, nêu cao trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của người đứng đầu, của các lực lượng chống tham nhũng; cải cách chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức. Đặc biệt, xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí…

PV(TTXVN)
.
.
.