Giải pháp nào cải thiện "chuyện an sinh" cho dân Sài Gòn?

Chủ Nhật, 12/12/2010, 11:02
Vấn đề liên tục được các đại diện cử tri TP HCM hâm nóng xuyên suốt 4 ngày diễn ra kỳ họp lần thứ 19, HĐND TP khóa VII là chuyện an sinh, xã hội. Khi GDP của TP HCM năm 2010 đạt tới 11,5%, cao gấp rưỡi so với mức bình quân của cả nước, lẽ ra cử tri phải vui mừng, nhưng như đại biểu Phạm Minh Trí đã phát biểu. Người dân mới chỉ vui mừng có một nửa, một nửa còn lại là nỗi lo âu về chuyện an sinh xã hội.

Thu nhập cao, chất lượng cuộc sống thấp

Đại biểu Đặng Văn Khoa và nhiều đại biểu khác đã tâm tư trong lúc thảo luận, người dân vui sao được, an tâm sao được khi chất lượng cuộc sống tiếp tục đi xuống: Ra đường thì canh cánh với "hố tử thần", kẹt xe rình rập; đi chợ lo thực phẩm, đồ dùng lên giá, còn ở trong nhà thì nơm nớp lo triều cường gây ngập; sợ đến phát hoảng khi phải hít thở mùi ô nhiễm từ xung quanh… Rồi tới khi chẳng may đau ốm phải vào bệnh viện cũng chẳng tránh được cảnh 2 người bệnh nằm chung một giường; nằm vạ vật ngoài hành lang.

Nhưng sau nhiều năm liên tục thu ngân sách đạt con số trên một trăm ngàn tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên dưới 3.000 USD/năm thì tại một đô thị phát triển như TP HCM, công bố của đại diện Sở Y tế cho thấy thời điểm này vẫn còn tới 5 bệnh viện chuyên khoa bị quá tải. Cộng lại, TP HCM còn thiếu khoảng 2.000 giường bệnh. Tình trạng này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có chừng ấy người bệnh phải chung giường hoặc vạ vật ngoài hành lang mỗi ngày.

Trả lời trước HĐND, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập nước cho rằng, năm nay tuy ngập do mưa trên địa bàn chỉ còn 58 điểm; ngập do triều cường chỉ xảy ra với 26 tuyến đường. Song tần suất mưa, triều cường năm nay lại nhiều gấp đôi năm ngoái nên người dân ở những vùng ngập càng bị nước mưa, nước thải ảnh hưởng tới cuộc sống khá nặng nề. Chính vì vậy, vấn đề an sinh xã hội, môi trường tại kỳ họp này liên tục được các đại biểu HĐND đưa ra trong các phiên họp để chất vấn đại diện các sở, ngành liên quan.

Chỉ với việc đề nghị tăng thêm 1% tỷ lệ hộ dân nội thành được dùng nước sạch vào năm tới đã có gần 20 ý kiến phát biểu, tranh luận trước khi đi đến thống nhất trong quyết nghị. Điều này đủ thấy các đại biểu HĐND đã đặt trách nhiệm vào lãnh đạo chính quyền tới mức nào để thành phố có thêm 1,5 vạn hộ dân được dùng nước máy.

Nguy cơ lún sụt đất, cát vào sát cửa nhà dân có chiều hướng gia tăng. (Ảnh: Đ.T).

Buổi sáng 10/12, trước giờ HĐND thành phố họp phiên bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đã đề nghị đoàn chủ tịch và các đại biểu dành cho vài chục phút để phát biểu. Mục đích của việc này nhằm cung cấp thêm thông tin để các đại diện cử tri thành phố có cái nhìn chính xác hơn trong công tác điều hành của chính quyền.

Ông Tài cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã nhận định rằng, những thành tựu mà chính quyền và nhân dân thành phố đạt được năm nay là hết sức to lớn. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như lún sụt mặt đường, ngập nước, kẹt xe, triều cường… đã làm giảm giá trị thành quả đạt được.

Ông Tài khẳng định, không thể có chuyện vì tăng trưởng GDP, chính quyền thành phố chấp nhận hy sinh các chỉ tiêu an sinh xã hội như một số đại biểu đã phản ánh: Những năm qua, song song với vấn đề phát triển kinh tế là công tác chăm lo đời sống dân sinh. Trong các mục tiêu kinh tế - xã hội thành phố đặt ra qua các năm để phấn đấu, số lượng chỉ tiêu về an sinh, xã hội, môi trường… liên tục tăng và hiện đã chiếm trên dưới 2/3 trong số các chỉ tiêu hằng năm.

Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh, chỉ có phát triển kinh tế mới có thể tạo điều kiện vực dậy được đời sống nhân dân. Ví như  năm 2010, nếu kinh tế thành phố không tăng trưởng nhanh để thu ngân sách vượt chỉ tiêu và được Trung ương cho trích lại một nửa khoản thu vượt thì làm gì có thêm vài trăm tỷ đồng đầu tư cho y tế, giáo dục…

Phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài được đông đảo đại biểu HĐND lắng nghe và tâm đắc. Song vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra là chính quyền thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành giải quyết như thế nào đối với một loạt vấn đề xã hội, dân sinh còn vướng mắc hiện nay. Bởi như Giám đốc Sở KH - ĐT Thái Văn Rê đã trình bày trước HĐND thì khu vực dành cho người dân, đại diện doanh nghiệp tới làm thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ có diện tích 216 m2 nhưng hàng ngày có ít nhất 800 lượt người tới chen chân chờ giải quyết hồ sơ. Thực trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay, song dù có muốn tăng thêm cửa nhận, trả hồ sơ cũng chẳng có chỗ. Quá tải, nên cán bộ, nhân viên tiếp xúc với dân chỉ biết cắm cúi mà làm việc trong cảnh ngột ngạt hơi người, chẳng thể nào còn cười nổi.

Vì vậy, thông qua đại biểu, ông Rê cũng mong muốn cử tri thông cảm. Người dân, doanh nghiệp muốn tới những nơi có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính công như cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội hay bộ phận làm thủ tục về nhà, đất… cũng chẳng khá hơn.

"Quả bóng trách nhiệm" còn bị đá qua, đẩy lại

Đến khi "hố tử thần" thứ 50 xuất hiện đe dọa nghiêm trọng tới an toàn tính mạng, tài sản của người đi đường, nhất là về ban đêm hoặc những ngày trời mưa, triều cường đường ngập… thì Sở GTVT vẫn thể hiện sự bất lực một cách vô trách nhiệm khi không thể tìm ra được nguyên nhân sụt lún của 2/3 số vụ. Với cách giải quyết nửa vời của cơ quan chuyên trách trước nỗi bức xúc của người dân, Thành ủy - UBND thành phố tiếp tục phải vào cuộc, huy động liên ngành cùng tham gia.

Dù nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lún sụt mặt đường khá đơn giản được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp chỉ ra trước HĐND thành phố, rằng: Khi đào xong, các nhà thầu đã dùng cát để lấp lại. Làm chủ yếu về đêm lu nén sơ sài, chẳng cần bơm nước cho cát nén chặt hết cỡ, đã trải nhựa. Kiểu thi công gian dối này chỉ lấp liếm được một thời gian ngắn, vào thời điểm mùa mưa tới, gặp nước, cát ngót, trôi dần tạo thành lỗ hổng rồi gây lún sụt.

Tổ hợp mưa - triều cường kết hợp gây ngập nặng và kẹt xe trên địa bàn thành phố trong tháng 11.

Tuy nhiên, trên cương vị là ngành chủ quản, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng khi đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu HĐND ngày 9/12 không những không dám dũng cảm có lấy một câu thừa nhận trách nhiệm mà còn đưa ra một loạt lý do như không được giao quản lý hạ tầng ngầm; có tới 8 đầu mối cùng quản lý… để thoái thác trách nhiệm trước các đại diện người dân thành phố.

Nhắc tới việc này, bên lề cuộc họp, một đại biểu đã bức xúc lập luận: Đã biết trước tình trạng quản lý chồng chéo như vậy bấy lâu, tại sao Sở GTVT không kiến nghị với thành phố để xin Trung ương cơ chế quy về một đầu mối? Khi nguyên nhân đã rõ như ban ngày, lún sụt chỉ xảy ra ở những đoạn đường vừa tái lập, chỉ cần sử dụng máy dò tìm ngầm dọc các tuyến đã đào hoặc dò tìm dọc theo hệ thống ống cấp nước cũ là có thể phát hiện lỗ hổng ngầm… Đâu cần tới mức huy động một loạt cơ quan chuyên môn vào cuộc xử lý? Tốn công tốn của là một lẽ, nhưng điều lo ngại lại là chuyện giống như trước đây, nhiều đơn vị liên quan cùng chịu trách nhiệm, song cuối cùng chẳng đơn vị nào chịu cả.

Tới việc giải quyết nạn kẹt xe tại cầu vượt Gò Dưa trên QL1A, hướng ra vào các khu chế xuất Linh Trung, khu công nghiệp Linh Xuân, Sóng Thần mà đại biểu Nguyễn Thị Minh Hương đã đặt ra từ… thời vừa được bầu là đại biểu HĐND khóa trước. Ước tính với HĐND thành phố, đại biểu Hương cho biết, mỗi ngày "điểm đen" ùn tắc này gây tốn kém của xã hội khoảng 1,4 tỷ đồng. Đem nhân với 365 ngày của một năm và nhân tiếp với 7 năm trời, sẽ cho ra một con số thiệt hại không nhỏ.

Nhưng lý do được Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng đưa ra chỉ đơn thuần bằng một thông tin là còn vài chục hộ chưa chịu di dời để quận Thủ Đức bàn giao mặt bằng cho Sở GTVT! Rồi khi các đại biểu chất vấn về dự án mở rộng tỉnh lộ 25B, ông Phượng còn thông báo thêm rằng: Trong 1-2 năm tới, nếu hướng ra vào cảng container Cát Lái còn kẹt như lâu nay, một nửa số thuế xuất nhập khẩu hàng hóa mà ngân sách thành phố đang thu hiện nay sẽ tự dịch chuyển về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ấy vậy, nhưng nguyên nhân dẫn đến việc chưa thể mở rộng đường cũng lại đơn giản, quận 2 chưa thể giải tỏa xong để bàn giao mặt bằng.

Như vậy, với các trường hợp công trình, dự án chậm tiến độ gây thiệt hại nghiêm trọng tới vấn đề kinh tế, dân sinh kể trên, giải pháp tách công đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành một dự án khác trước khi triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng mà UBND thành phố đang áp dụng đã tỏ ra không hiệu quả.        

Vì vậy, kết thúc kỳ họp lần thứ 19, HĐND TP HCM khóa VII, nhân dân thành phố vui mừng trước sự phát triển kinh tế của thành phố, nhưng vẫn còn bức xúc vì điều kiện sống của một bộ phận cư dân chưa được cải thiện.

Chuyện chống ngập nước hiện chưa có lời giải, khi hệ thống hạ tầng thoát nước của thành phố đã bất lực trước sự hoành hành của "Thủy thần". Theo giải trình của ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Chống ngập nước thì dù hệ thống cống có đủ khả năng, cuối cùng nước mưa, nước thải cũng buộc phải chảy ra kênh rạch. Nhưng việc nạo vét kênh rạch lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chịu trách nhiệm trong khi việc nạo vét còn chưa xong thì 182 địa điểm kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm với tổng diện tích lên tới hơn 16ha lại do cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm xử lý.

Với con số 216 vị trí giao cắt trong hệ thống thoát nước hiện hữu bị xâm hại cũng vậy, công ty thoát nước đô thị dù có chịu trách nhiệm nạo vét cống thoát nước hằng năm cũng không thể xử lý. Việc này lại thuộc trách nhiệm xử phạt, cưỡng chế của lực lượng Thanh tra xây dựng. Và, cứ với cách quản lý hạ tầng đô thị theo kiểu cắt khúc, phân đoạn… rồi chồng chéo, giẫm chân lên nhau như vậy, khi có sự cố xảy ra, quả bóng trách nhiệm sẽ còn tiếp tục bị đá qua, đẩy lại.

Đức Thắng
.
.
.