Gặp những cán bộ quản giáo ngày giáp Tết

Thứ Bảy, 19/01/2008, 19:13
Tám năm gắn bó với Trại tạm giam, anh Duy đã quản lý trên 60 phạm nhân có án tử hình. Hầu như những mánh khóe vượt ngục của các tử tù, anh và Đội quản giáo đều thuộc như lòng bàn tay. Trong cái lạnh se sắt đầu năm 2008, người Đội trưởng ấy đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chỉ có ở nơi đặc biệt này.

Ngoài 30 tuổi, Thượng úy Phạm Bá Duy đã có thâm niên 4 năm làm quản giáo ở khu biệt giam các tử tù và 4 năm làm Đội trưởng Đội Quản giáo của Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La. Nhiệm vụ trông coi tử tù như gắn anh với các số phận đã đến đường cùng để kết thúc tội ác.

Nhưng chính tình người quản giáo nơi rừng sâu núi thẳm đã giúp nhiều tử tù trước khi từ giã cõi đời cảm nhận được những điều tốt đẹp còn lại trong cuộc sống.

Tám năm gắn bó với Trại tạm giam, anh Duy đã quản lý trên 60 phạm nhân có án tử hình. Hầu như những mánh khóe vượt ngục của các tử tù, anh và Đội quản giáo đều thuộc như lòng bàn tay. Trong cái lạnh se sắt đầu năm 2008, người Đội trưởng ấy đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chỉ có ở nơi đặc biệt này.

Vào thời điểm chúng tôi có mặt, hiện có 31 phạm nhân có mức án tử hình - đây là một con số rất lớn đối với một Trại tạm giam làm công tác giam giữ và quản lý như Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La.

Làm thế nào không để xảy ra trốn trại và phạm nhân tự sát, thông cung… mà phải luôn giữ ổn định tư tưởng cho phạm nhân là điều không hề đơn giản.

Đồng chí giám thị Nguyễn Công Soái đã băn khoăn khi nhắc đến vấn đề này, bởi phần lớn phạm nhân có án tử hình đều liên quan đến ma túy, khi mới vào trại hầu hết đều hoang mang, tìm cách tự sát, trốn trại và chống đối các cơ quan điều tra, cán bộ của trại. Hơn nữa, họ thường tìm cách thông cung liên lạc với các đối tượng trong cùng vụ án.

Khu biệt giam trông án tử hình có 21 cán bộ, chiến sĩ, nghĩa là một cán bộ phải trông nom 1,5 phạm nhân. Đấy là chưa kể mỗi khi tử tù được lệnh thi hành án tử hình, phải bố trí hơn 10 cán bộ làm các nhiệm vụ.

Thường ngày tử tù thức dậy vào lúc 7h30', nhưng hôm nào 6h sáng đã có tiếng mở khóa, rồi bóng dáng quản giáo bước vào phòng là họ biết giờ G đã điểm.

Có những tử tù thường ngày gào thét rất to, muốn được thi hành án sớm, nhưng đến khi thi hành án thật lại sợ hãi, nói năng mê sảng. Thượng úy Duy kể: "Phần lớn khi biết hôm đó mình bị thi hành án, hãn hữu mới có phạm nhân bình tĩnh như đối tượng Đàm Huy Thảo, ở Mộc Châu.

Thấy cán bộ vào buồng giam, phạm nhân bảo: "Em biết em phải đi, cán bộ yên tâm em không chống đối đâu". Thảo tự đánh răng, rửa mặt, thay quần áo nhưng lại ăn rất ít. Phạm nhân ngồi viết thư về cho gia đình, vẫn không quên gửi lời cảm ơn cán bộ trong thư. Nhưng ít đối tượng như tử tù Thảo lắm, đa số đều mất bình tĩnh, líu lưỡi, cán bộ phải đánh răng, rửa mặt, thay quần áo hộ và phải xốc nách họ mới bước đi được".

Ngồi hàng giờ ở khu giam giữ phạm nhân có án tử hình, chúng tôi tuyệt nhiên không nghe thấy bất cứ tiếng la hét, gào khóc nào, đây là điều khó tưởng tượng.

Thiếu úy Mè Văn Típ cho biết, đối tượng nào cũng có hoàn cảnh riêng, cán bộ phải biết tìm hiểu hoàn cảnh của đối tượng để vận động.

Những day dứt về tình cảm, hay do điều kiện gia đình éo le mà chỉ đến khi đã ngồi trong song sắt ngục tù, những tử tù mới nghĩ về điều ấy thấm thía nhất.

Những lúc ấy anh em phải động viên tinh thần, lấy tình cảm, tình người để khích lệ bản năng tốt trong con người phạm nhân. Chính những việc làm ấy đã khiến nhiều phạm nhân từ chống đối sang chấp hành rất tốt kỷ cương của trại.

Ngoài động viên tinh thần, cán bộ quản giáo không ngừng nâng cao trình độ, phát hiện nhiều thủ đoạn mà phạm nhân có thể hành động như viết chữ vào giấy bọc băng vệ sinh, cho thư từ vào quà…

"Quản giáo phải có phẩm chất đạo đức, nếu bị mua chuộc, phạm nhân không những coi thường mà càng phá phách, chống đối, sẽ phá vỡ kỷ cương do đơn vị đề ra" - Thượng úy Duy đúc kết.

Với anh, quản giáo phải có cái tâm, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ và phải có chữ nhẫn, chịu đựng những biểu hiện bất thường khi ngày đầu phạm vào trại. Từ đó mới tìm hiểu những điểm yếu, điểm mạnh của can phạm mà vận động.

Phương pháp của anh Duy là phân loại bóc tách giam giữ theo tuổi, vùng miền, giới tính, tội danh, mức độ phạm tội, tiền án tiền sự… thì sẽ thành công.

Anh Duy cho biết, tất cả cán bộ, chiến sĩ của đội đều nói và nghe được các thứ tiếng dân tộc ở Sơn La. Trung sỹ Lầu A Sáu, người dân tộc Mông có biệt danh là phiên dịch cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát khi anh nghe, nói thành thạo 4 thứ tiếng dân tộc.

Chúng tôi rời Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La khi đã xế chiều. Chiếc xe U-oát lao nhanh trên con đường nhựa mới trải, bỏ lại dần đằng sau những làn khói lam chiều đang lan tỏa trên những nóc nhà sàn xen lẫn những ngôi nhà xây ngói mới. Cảm giác bình yên ùa về cùng hình ảnh đẹp về những người quản giáo miền sơn cước đang ngày đêm gieo mầm thiện cho đời

Trần Hằng - Anh Hiếu
.
.
.