Gặp nhà báo AFP 9 lần đưa tin Đại hội Đảng

Thứ Bảy, 30/01/2016, 09:56
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc nhưng kỷ niệm về những ngày tác nghiệp tại Trung tâm báo chí của Đại hội vẫn được cánh phóng viên chúng tôi nhắc lại với niềm tự hào. Riêng với nhà báo Nguyễn Văn Vinh, ông đã có 9 lần đưa tin về Đại hội Đảng.

Cùng tác nghiệp trong Trung tâm báo chí với phòng làm việc rộng lớn có diện tích hơn 1.000m2, trang bị 170 máy vi tính cố định trong suốt 9 ngày liền, ấy vậy mà phải tới ngày làm việc thứ 6 của Đại hội, tôi mới có dịp trò chuyện với nhà báo Nguyễn Văn Vinh. Không phải vì ông từ chối trả lời các câu hỏi mà bởi chúng tôi quá bận bịu với việc thông tin kịp thời về các hoạt động của Đại hội XII nên chẳng có lúc nào rảnh rỗi.

Trời hôm đó đổ mưa như trút nước, gió rét luồn qua các kẽ cửa thốc vào trung tâm, cánh phóng viên chúng tôi vẫn kiên trì làm việc. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh kể rằng, lần này, ông tham gia đưa tin về Đại hội XII cho hãng AFP. Vì làm chương trình truyền hình nên có rất nhiều việc. Hôm đó, ông đã có mặt tại

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XII.

Trung tâm báo chí từ rất sớm, chuẩn bị máy móc, thiết bị sẵn sàng để vào hội trường ghi lại những hình ảnh về cuộc bỏ phiếu bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh nói: “Bạn biết đấy, làm truyền hình thì nhiều khâu mà chúng tôi chỉ có 2-3 người nên tôi bận tối mắt. Sáng nay (26-1), tôi là người vào quay quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu của Đại hội. Tất cả đều đầy đủ, rõ ràng, minh bạch”.

Theo lời nhà báo Nguyễn Văn Vinh, sau mỗi kỳ đại hội Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển, ngày càng đổi mới. Riêng ông có cơ may tới 8 lần tham gia tuyên truyền về Đại hội Đảng và lần này là lần thứ 9. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh nói: “Có cơ may tham gia đưa tin vào Đại hội nên tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Làm báo là phải quan tâm đến các thông tin, đấy là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ai cũng mong chờ các thông tin từ Đại hội như thế nào. Và đưa tin về Đại hội Đảng là cả một quá trình chứ không phải chỉ có mấy ngày diễn ra đại hội”.

Lần đưa tin Đại hội Đảng đầu tiên của nhà báo Nguyễn Văn Vinh là vào năm 1976, khi Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh. Đây cũng là kỳ Đại hội Đảng đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất và đặt nền tảng để xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời ở cả hai miền Bắc và miền Nam. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh kể: “Lúc đó phạm vi đưa tin rất là hạn hẹp bởi vì khả năng về kỹ thuật của chúng ta còn hạn chế.

Mặc dù mối quan tâm của mỗi một thời kỳ luôn là lớn, cả trong nước và nước ngoài và đặc biệt đối với đồng bào ta ở nước ngoài. Công luận thì quan tâm đến đường hướng phát triển của Việt Nam, đường đi là như thế nào? Có tiếp nối sự phát triển, ví dụ như thời kỳ chúng ta đã hội nhập rồi, liệu có thay đổi được không? Nhiều khi người ta còn hỏi có quay trở lại con đường cũ hay không bởi vì trên con đường phát triển chúng ta cũng gặp không ít khó khăn.

Cái thứ hai nữa là quan tâm về nhân sự, tức là quan tâm về bộ máy lãnh đạo của Đảng trong cả nhiệm kỳ 5 năm, trong đó có Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và đặc biệt quan tâm đến người đứng đầu là Tổng Bí thư để lãnh đạo Đảng cũng như lãnh đạo toàn dân. Tôi nhớ rõ nhất năm 1986, khi tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tất cả các vị lão thành tiền bối như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Đức Thọ và nhiều đồng chí lão thành đều xin nghỉ, bầu chọn đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Văn kiện thông qua tại Đại hội lần đó cũng đánh dấu thời kỳ bắt đầu đổi mới của Việt Nam.

Tôi nhớ vì sau này, khi tôi làm việc cho các hãng thông tấn phương Tây, họ thường hay nói rằng Việt Nam vì sức ép của sự kiện Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ nên bắt buộc phải đổi mới. Trên thực tế những sự kiện đó diễn ra sau đó rất nhiều, tức là vào những năm 1990, 1991. Tôi nghĩ đổi mới xuất phát từ nội tại, từ yêu cầu thực tế, một thực tiễn của Việt Nam lúc đó cần phải thay đổi. Quyết định thay đổi làm chúng tôi ghi nhớ nhất là đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy”.

Năm nay 67 tuổi, nhà báo Nguyễn Văn Vinh là thế hệ đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông về Đài Truyền hình Việt Nam vào tháng 5 - 1970 để chuẩn bị cho buổi truyền hình đầu tiên ngày 7-9-1970. Cho đến năm 1994 thì nhà báo Nguyễn Văn Vinh chuyển sang làm việc cho hãng Reuters của Anh, văn phòng tại Hà Nội. Năm 2011, tuy đã nghỉ hưu song nhà báo Nguyễn Văn Vinh vẫn được các hãng thông tấn nước ngoài mời tham gia làm các sự kiện lớn và thực hiện cả công tác giảng dạy, đào tạo phóng viên trẻ.

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh tâm sự rằng, cảm xúc của mỗi lần tham gia đưa tin về Đại hội Đảng đều khác nhau. Các Đại hội trước cho đến Đại hội lần thứ IX đều tổ chức ở Hội trường Ba Đình, trong không gian nhỏ hơn Trung tâm Hội nghị quốc gia nhưng các đại biểu cũng rất gần gũi. Ông kể: “Giờ giải lao, các đại biểu ra vườn hồng (chúng tôi thường hay gọi là nhà kính) để trao đổi trò chuyện với các nhà báo. Nhiều lãnh đạo như Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng có lúc ra gặp phóng viên. Sau này, các kỳ Đại hội được tổ chức với quy mô lớn dần và có cả tổ chức họp báo để Tổng Bí thư ra mắt báo chí, trả lời các câu hỏi phỏng vấn.

Đại hội Đảng lần thứ XII cũng là lần thứ 2 được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc gia với số lượng đại biểu nhiều hơn, phạm vi trao đổi rộng rãi hơn nên hàng ngày tổ chức thông tin cũng rất kịp thời. Tôi thấy trung tâm báo chí của Đại hội được trang bị khá đầy đủ, lịch trình Đại hội thực hiện tương đối khít khao và phóng viên cũng phỏng vấn được nhiều đại biểu”. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây, môi trường tác nghiệp của nhà báo đã thay đổi khá nhiều và mỗi kỳ Đại hội là cơ hội để các nhà báo thể hiện tính chuyên nghiệp của mình.

Ông nói: “Cùng với sự thay đổi của đất nước thì nhu cầu thông tin cũng khá là nhiều. Người dân muốn biết các đại biểu đánh giá thế nào về sự phát triển, cái gì chưa làm được và đã làm được, nhìn lại khuyết điểm để khắc phục… Đấy là yêu cầu về mặt thông tin. Về mặt phương tiện và phạm vi truyền tải thì sự bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội đã giúp ích rất nhiều cho các nhà báo, vì thế nó cũng đòi hỏi các nhà báo tác nghiệp tại Đại hội phải đưa tin nhanh, kịp thời, chính danh và chính thống.

Các nhà báo trẻ bây giờ hết sức năng động. Nhưng tôi cho rằng, dù công nghệ thông tin phát triển đến mấy cũng không thể thay thế con người. Phóng viên trẻ càng phải tự học hỏi, tự nắm bắt để theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ thế giới”...

Huyền Chi
.
.
.