Đường hiện đại, phố khang trang

Chủ Nhật, 26/04/2009, 18:47
Mục tiêu của dự án giao thông Thủ đô không chỉ hướng tới những con đường đẹp mà qua đó, còn tạo ra những khu phố văn minh, hiện đại, đây cũng còn là kỳ vọng của người dân về con đường hiện đại, phố khang trang. Đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục là công trình đang hướng tới mục tiêu này.

Không ít con đường Hà Nội được đầu tư lớn, hiện đại nhưng những dãy phố hình thành hai bên lại rất lôm nhôm. Cách đầu tư như thế khiến gánh nặng chi trả đền bù giải phóng mặt bằng (hàng ngàn tỷ đồng) và xây lắp luôn thuộc về ngân sách Nhà nước, để rồi không chỉ nhận lại phố lôm nhôm mà còn dẫn đến sự thiếu công bằng khi làm dự án.

Xây đường gắn liền quy hoạch hiện đại phố

Bây giờ thì khác, mục tiêu của dự án giao thông Thủ đô không chỉ hướng tới những con đường đẹp mà qua đó, còn tạo ra những khu phố văn minh, hiện đại. Bày tỏ ý tưởng này, lãnh đạo UBND thành phố cho biết: Đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục là công trình đang hướng tới mục tiêu trên.

Nhìn lại những con đường đã làm để thấy rõ điều gì cần thay đổi đối với các công trình giao thông cho một Thủ đô hiện đại, sau khi đã mở rộng. Đi trên đường Trần Khát Chân ở cửa ngõ phía Nam thành phố, người tham gia giao thông phần nào cảm thấy thoải mái bởi mặt cắt khá rộng của nó.

Vào thời điểm đó, ý tưởng thiết kế con đường này khá mới mẻ nên nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của người dân. Nhưng sau đó, mỗi lần đi trên phố Trần Khát Chân, tĩnh tâm lại một chút để ngắm nhìn hai bên phố, hẳn là người lạc quan cũng cảm thấy thất vọng vì lô mô những căn nhà ngắn, dài, dày, mỏng, hiện đại, thô sơ thoải mái mọc lên. Đấy là một phần của tuyến phố cách đây khá lâu mà người dân kỳ vọng đường hiện đại, phố khang trang.

Nhưng rồi mong ước của người dân mới chỉ đạt một nửa, đó là xây nên đường hiện đại nhưng phố thì vẫn lôm nhôm. Nhiều chuyên gia đã rút ra nhận xét ngắn gọn mà thấu lý: Đó là vì Hà Nội quá bức xúc về giao thông nên tư duy còn nặng về đường mà chưa thấy hết mối liên hệ với phố.

Suy nghĩ kỹ một chút. Nhìn sang nước bạn học cách thu hồi đất làm đường, hiện đại luôn cả phố sẽ thấy ngay nhận xét trên là có lý. Đành rằng điểm yếu trong vấn đề đô thị Hà Nội nhiều năm qua vẫn là chuyện chậm quy hoạch. Chính vì sự chậm trễ của khâu này đã dẫn đến vướng mắc hết dự án này đến dự án khác, đầu tiên là khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đang đi theo hướng đó. Cho nên ngân sách Nhà nước đã phải gánh một khoản chi trả đền bù tới 600 tỷ cho đoạn phố 1.080m, phần xây lắp chiếm non số đó.

Tới đây thành phố triển khai đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, giá trị đền bù cũng lên tới 527 tỷ đồng, mà con đường chỉ kéo dài thêm có 547m. Quả không ngoa khi dư luận cho rằng, đó là con đường đắt nhất hành tinh.

Nhưng điều quan trọng, là sau các công trình hàng ngàn tỷ đồng đó, chúng ta không thu được phố hiện đại. Hai bên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã lập tức mọc lên phố mỏng, ngõ nhỏ, cảnh quan đã không đẹp. Cách thu hồi đất như thế vô tình tạo ra sự thiếu công bằng, bởi phần đông người dân phải di dời lên chung cư, trong khi không ít người được hưởng lợi vì nhà của họ bỗng dưng ra mặt đường, giá cao gấp nhiều lần.

Chậm quy hoạch, thông tin về dự án thiếu minh bạch cũng nảy sinh chuyện mua đi bán lại đất trong vùng dự án để nhận đền bù, trục lợi. Đây cũng chính là những lý do khiến công tác giải phóng mặt bằng dự án chậm mà những người có trách nhiệm cần nghiên cứu, sửa đổi.

Vấn đề đặt ra bây giờ, là Hà Nội phát triển đường giao thông gắn liền với quy hoạch phố hiện đại. Thực hiện ý tưởng này, thì đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục sẽ không phải chỉ lấy quỹ đất như quy hoạch trước đây (mặt cắt đường 50m+vỉa hè), mà phải rộng hơn, đủ để thiết kế hai dãy phố hiện đại, bố trí nhà tái định cư, xây các trung tâm dịch vụ...

2.000 hộ dân được tái định cư tại chỗ có phố hiện đại, dịch vụ hoàn chỉnh

Đề cập đến vấn đề này, thời gian qua không ít bạn đọc phản ánh tới Báo CAND với tâm trạng bức xúc vì khoản tiền chi trả đền bù quá lớn đối với những dự án giao thông Hà Nội, mà kết quả nhận được thì không tương xứng. Không chỉ người dân trong vùng quy hoạch luôn trong tâm trạng chờ đợi giải phóng mặt bằng, chờ đợi xin phép xây dựng, sửa chữa nhà... hết sức mệt mỏi.

Việc quy hoạch tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Voi Phục đã để lộ một số nhược điểm trong giao thông. Sau khi đường hoàn thành, nó sẽ chạy song song với đường Đê La Thành nên xuất hiện thêm nhiều ngã tư liên tiếp tại điểm Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu... khiến giao thông rối rắm.

Vào thời điểm hiện nay, người đi đường khi đến ngã sáu Ô Chợ Dừa rất khó định hướng đi, lực lượng CSGT cũng không dễ phân luồng nên liên tục xảy ra ùn tắc. Tới đây đoạn Hoàng Cầu cũng xuất hiện thêm một ngã tám tương tự.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, thì mong muốn của người dân cũng như trăn trở của các nhà quản lý sẽ được giải tỏa trong bước tiếp theo làm đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục.

Hiện thành phố đang báo cáo Chính phủ quyết định, phát triển tuyến này gắn với quy hoạch phố hiện đại. Nếu như quy hoạch trước đây lấy đất làm đường có mặt cắt là 50m, thì tới đây (sau khi được phê duyệt) sẽ lấy quỹ đất đủ để làm đường và xây phố hoàn chỉnh, hiện đại chứ không để tùy tiện xây dựng như trước.

Theo khảo sát, hiện khu vực này có trên 2.000 hộ dân. Cách làm này hay ở chỗ, sẽ tạo ra quỹ đất để người dân được tái định cư tại chỗ với những căn hộ ở vị trí đẹp về cảnh quan, tiện lợi cho sinh hoạt nhiều mặt. Lợi thế thương mại về đất đai do con đường tạo ra sẽ phục vụ phúc lợi xã hội chứ không thuộc về bất kỳ cá nhân nào. Quỹ đất đó cũng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo nguồn lực xây dựng nhà ở tại chỗ, các trung tâm thương mại, dịch vụ phục vụ ngay khu vực dân cư đó mà không phải dùng đến ngân sách Nhà nước.

Nhưng có lẽ cái được lớn nhất chính là những khu phố có dấu ấn quy hoạch hẳn hoi sau khi hoàn thành việc xây dựng những con đường. Việc triển khai đường Hoàng Cầu - Voi Phục thuận lợi sẽ tạo tiền đề tốt cho tuyến đê Trần Khát Chân và nhiều con đường khác.

Chưa hết, ưu điểm của cách làm mới này còn ở chỗ, nó khắc phục sự thiếu công bằng phát sinh trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng. Những cơ hội để trục lợi thông qua việc mua đất đón đầu trông chờ tiền đền bù của Nhà nước cũng khó thực hiện. Mọi người dân trong vùng dự án khi di dời, đều được hưởng chung chính sách, trong đó đủ điều kiện được bố trí nhà tái định cư tại chỗ có chất lượng tốt, cảnh quan đẹp, hạ tầng, dịch vụ hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo lãnh đạo Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị, là tâm lý người dân cho rằng quy hoạch trước đây đã ổn định. Vấn đề đối với họ hiện nay là chờ giải phóng mặt bằng xong là xây sửa nhà. Một số khác không muốn di dời vì tập quán ăn ở cũ.

Theo một số cán bộ quản lý, để thực hiện dự án theo cách làm mới, nên khích lệ những hộ dân chấp hành nghiêm quy hoạch cũ bằng những giá trị vật chất cụ thể trên cơ sở quy định của Nhà nước. Đồng thời mở đợt tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, hiệu quả thiết thực của dự án, nó sẽ đem lại quyền lợi thiết thực về chỗ ở, môi trường sống cho chính họ.

Thiết nghĩ, dự án đem lại lợi ích chung cho cộng đồng và cho chính những người dân nơi con đường đi qua thì nhất định sẽ tạo được sự đồng thuận

Thanh Phong
.
.
.