Đường chờ dân, dân chờ chỗ tái định cư

Thứ Ba, 04/12/2007, 10:07
Theo kế hoạch, nơi tái định cư là khâu tiên quyết phải làm sớm dành cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường Láng - Hòa Lạc và một số dự án khác. Nhưng đến nay, vấn đề mặt bằng thi công tuyến đường đặc biệt quan trọng này nóng như rang mà khâu xây dựng khu tái định cư cho dân lại nguội như nước. Điệp khúc đường chờ dân, dân chờ đất tái định cư cứ luẩn quẩn nhiều năm qua.

Xét tính chất quan trọng của dự án tuyến đường Láng - Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và chỉ đạo tháo gỡ nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề mặt bằng thi công. Tuy nhiên, hai tháng trôi qua kể từ ngày Phó Thủ tướng kết luận, vấn đề mặt bằng thi công đường Láng - Hòa Lạc vẫn tắc ở ngay khâu chuẩn bị chỗ cho dân tái định cư.

Thiếu mặt bằng vì dân chờ giá đất mới!

Có mặt tại khu tái định cư xã Thạch Hòa (Thạch Thất -  Hà Tây) chiều 29/11, chúng tôi nhận thấy khu vực này vẫn còn ngổn ngang, dang dở. Người dân cho chúng tôi biết: Khu tái định cư này có diện tích hơn 67,2ha nằm trên địa bàn xã Thạch Hòa ngay cạnh đường Láng - Hòa Lạc.

Theo kế hoạch, nơi tái định cư là khâu tiên quyết phải làm sớm dành cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường Láng - Hòa Lạc và một số dự án khác.

Rất ngạc nhiên là cho đến nay, vấn đề mặt bằng thi công tuyến đường đặc biệt quan trọng này nóng như rang mà khâu xây dựng khu tái định cư cho dân lại nguội như nước.

Cụ thể là trong tổng số 67,2ha đất tái định cư, huyện Thạch Thất, Hà Tây mới chỉ giải phóng được khoảng 50ha, phần còn lại cũng vướng vì chưa giải phóng được mặt bằng. Hiện còn 50 - 60 hộ dân trong diện phải đi nơi khác trả lại mặt bằng cho huyện làm hạ tầng khu tái định cư, nhưng họ biết đi đâu khi chỗ ở mới cũng chưa có.

Điệp khúc đường chờ dân, dân chờ đất tái định cư, đất tái định cư lại chờ dân cứ thế diễn ra luẩn quẩn như trong vòng kim cô nhiều năm qua chưa thể thoát ra được.

Theo lãnh đạo Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất, địa bàn huyện còn khoảng 3km mặt bằng có nhiều doanh nghiệp và dân cư việc kiểm đếm, đền bù khá phức tạp.

Để tháo gỡ, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ cho mỗi hộ dân 1 triệu đồng/tháng để thuê nhà trong thời gian chờ có đất tái định cư. Đồng thời hỗ trợ thêm tiền thuê chỗ ở trong vòng 6 tháng kể từ khi được giao đất nhằm giúp dân thuận lợi trong việc làm nhà ở.

Mặc dù vậy, hiện tại người dân cũng không mặn mà lắm với chính sách hỗ trợ nói trên vì đang là thời điểm cuối năm, họ đều nghe ngóng chờ tỉnh Hà Tây ban hành giá đền bù mới cao hơn. Giá hiện tại từ 600.000đ đến 1,2 triệu đồng/m2 đối với đất ở tùy vị trí, và hơn 51.000 đồng/m2 đối với đất nông nghiệp. Đây chính là một nguyên nhân dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng.

Vướng mắc vốn đầu tư?

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất ngày 16/10/2007, thì diện tích mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc thuộc địa bàn huyện đến nay còn khoảng 54,5ha. Trong đó, 47,1ha đất là của các hộ dân và 7,4 ha là đất của các doanh nghiệp.

Cho đến nay huyện Thạch Thất đã kiểm đếm, bồi thường trước số diện tích lắp đặt đường ống nước Sông Đà - Hà Nội, đến 16/10 đã kiểm đếm được 29,3ha của 279 lượt hộ. Số diện tích lắp đặt đường ống nước Sông Đà - Hà Nội đã kiểm đếm xong với diện tích là 15,43ha của 126 lượt hộ và tiến hành hoàn thiện hồ sơ để chi trả.

Ngoài số diện tích nhà dân, trên tuyến đường có 7 doanh nghiệp có đất phải thu hồi cho dự án, trong đó phần mặt bằng đường ống nước có 5 doanh nghiệp.

Nguyên nhân trực tiếp do khối lượng tài sản rất lớn, hồ sơ các doanh nghiệp cung cấp không đầy đủ tính pháp lý nên Hội đồng giải phóng mặt bằng không đủ khả năng chuyên môn để tính toán xác định khối lượng. Hiện họ phải thuê tư vấn của Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính thẩm định, tính toán đưa ra mức đền bù.

Chính vì vậy đến nay mới chỉ hoàn thành việc kiểm đếm, bồi thường cho 2/7 doanh nghiệp là Công ty TNHH Toàn Thắng và doanh nghiệp chè Minh Nguyệt.

Theo chúng tôi được biết, không chỉ riêng tại Thạch Thất mà trên các đoạn thuộc khu vực huyện Hoài Đức (Hà Tây) cũng đang bị vướng do chưa giải phóng được mặt bằng. Lý do vẫn là thiếu mặt bằng tái định cư. Nhưng trên thực tế, còn lý do khác có phần nóng hổi hơn, đó là vốn đầu tư xây dựng tuyến đường.

Qua tìm hiểu, đến nay chủ đầu tư và nhà thầu đã có rất nhiều cố gắng huy động vốn, thiết bị máy móc vào tuyến đường nhưng chừng đó chưa đủ đẩy nhanh tiến độ dự  án. Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuống còn 7.527 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp gần 4.700 tỷ đồng, còn lại  là chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư..

Theo chỉ đạo của Chính phủ, nguồn vốn ngân sách Hà Nội tự huy động phục vụ dự án là trên 1.658 tỷ đồng; Hà Tây là 4.028 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tiến độ huy động các nguồn vốn này rất chậm và chưa rõ thời hạn cụ thể phải hoàn thành.

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, đến nay TP Hà Nội đã ghi kế hoạch vốn và giải ngân được trên 525 tỷ đồng. Trong khi đó, Hà Tây - nguồn lực chính thì kế hoạch vốn xem ra vẫn còn xa! Đó là vướng mắc lớn chưa dễ vượt qua

Nhóm phóng viên điều tra
.
.
.