Được đặc xá sẽ trở về tìm mộ anh trai liệt sĩ

Chủ Nhật, 30/08/2009, 15:41
Được trở về, Lò Văn Lả tự nhủ với mình, sẽ sắp xếp cùng các anh chị, tìm cách đưa phần mộ anh trai về quê. Lả chính là người hưởng phúc phận từ anh, và bởi thế, hơn lúc nào hết, Lả muốn sau những ngày tháng tận hưởng cuộc sống tự do, sẽ lại bắt tay vào hành trình mới: Hành trình tìm kiếm anh ruột của mình, liệt sỹ Lò Văn Sy, hy sinh năm 1972 ở chiến trường Lào.

Trong ký ức của mình, Lò Văn Lả chẳng còn lưu giữ được là bao những kỷ niệm về người anh cả đã hy sinh tại chiến trường Lào năm 1972. Hồi đó, Lả mới 8 tuổi, mải chơi và vô tâm vô tính. Dáng vẻ lành lành, lam lũ, khuôn mặt khắc khổ, Lò Văn Lả trông không giống mấy với một kẻ đang thụ án giết người và hủy hoại tài sản.

Lả cười ngượng nghịu khi nhắc đến nguyên cớ gây ra tội của mình: Rượu, chỉ vì say rượu thôi mà. Chăm việc, chất phác, lại thêm anh ruột là liệt sỹ, Lả đã thành phạm nhân có mức án còn lại dài nhất Trại Hồng Ca (Cục V26 - Bộ Công an) được đưa vào danh sách đề nghị xét đặc xá đợt 2/9…

1. Những ngày này, Lả đang xốn xang niềm vui. Lả thấp thỏm đếm ngược thời gian để đợi giây phút được trở về. Xa nhà hơn 8 năm ròng rã, ngoài đời, con trai, con gái của Lả đã lập gia đình, kịp lên chức bố mẹ, biến Lả thành ông nội, ông ngoại.

Nỗi khấp khởi được giáp mặt dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại càng khiến Lả thêm tự giác cải tạo, tích cực học tập. Bản Nà É, xã Mường Kim, huyện Than Uyên ngày Lả bị bắt, tháng 5 năm 2001 còn là một địa danh của Lào Cai, giờ đã được sáp nhập vào với tỉnh Lai Châu. Than Uyên lên phố, Mường Kim và cả bản Nà É cũng lây một chút cái ánh sáng thị thành, trù phú, sầm uất hơn nhiều.

Các chàng trai cô gái dân tộc Thái dường như quen hơn với những trò tiêu khiển, giải trí nhuốm màu đô thị. Lả cũng bảo, quê mình giờ khá giả nhiều rồi, cuộc sống vật chất đủ đầy hơn, bà con không còn đói khổ nữa. Nhà nước đã làm đường qua bản, người dân đi lại dễ dàng hơn, công việc làm ăn cũng vì thế mà phát đạt…

Đã rất nhiều lần trong quãng ngày dằng dặc vừa qua, Lò Văn Lả trở đi trở lại với nỗi hoài nghi, day dứt: Sao mình có thể manh động đến thế, gã đàn ông đang đêm cầm dao đâm người có thật đúng là mình.

Phạm nhân Lò Văn Lả.

Bây giờ thì Lả sợ rượu lắm rồi. Rượu thóc say mềm, càng uống càng ham, một chén rồi thêm một chén nữa, xung quanh toàn là anh em chòm xóm thôi mà. Những bữa rượu từ chiều tà hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau là chuyện thường tình tại bản Nà É.

Khoảnh khắc định mệnh nửa đêm về sáng ngày 22/4/2001 cũng thế. 1h sáng, hai vợ chồng Lả mới chở nhau về trong tình trạng khật khưỡng. Nằm mà không ngủ được, rượu thì vẫn còn đang bừng bừng khí thế trong đầu, Lả xoay ra nghĩ linh tinh. Dòng nghĩ của Lả dừng lại ở ông hàng xóm Đèo Văn C.. Nỗi ấm ức bấy lâu nay chưa giải tỏa được giữa hai người bỗng dưng thành cái gai sắc nhọn, chập chờn trong trí óc Lả.

Lả trở dậy, lấy bật lửa bỏ vào túi quần, cầm theo con dao lạnh rồi soi đèn pin, đến nương của gia đình ông C.. Lả chui vào gầm sàn lều nương nằm vắt tay lên trán ngẫm ngợi. Trời đêm mịt mùng, không gian tịch mịch. Tiếng côn trùng không dưng cũng như nín bặt tự bao giờ. Rượu vẫn bốc hỏa. Lả trở dậy, châm lửa hóa kiếp cho đống cỏ tranh dưới gầm sàn.

Thấy khói lửa mịt mùng, cậu bé 14 tuổi Đèo Văn P. trở dậy, mò mẫm bước xuống cầu thang nhà sàn. P. còn đang cơn ngái ngủ, chân thấp chân cao đã bị Lả xông tới đâm liên tiếp vào người. Cậu bé con gục xuống. Có tiếng người hô hoán. Đến lúc này, Lò Văn Lả mới tỉnh rượu. Anh ta vứt dao, cắm đầu chạy mất.

2. May cho Lả là Đèo Văn P. không chết. Cậu bé chỉ phải nằm dưỡng bệnh 24 ngày trong viện. Những nhát dao oan nghiệt của Lả khiến P mất 63% sức khỏe, theo như giám định. P đúng bằng tuổi với cậu con trai thứ 2 của Lả. Gần một tháng được tại ngoại điều tra là khoảng thời gian dài khủng khiếp với Lả. Lả chưa có một giây nào mảy may ý nghĩ bỏ trốn: Sợ lắm, nhưng mình gây tội phải đền tội thôi, mà trốn cũng không thoát được. Thằng bé không chết, đã là phúc lớn của Lả. Ở bản Nà É yên bình và xinh đẹp, người dân vốn hiền hòa, dễ nguôi quên, ít khi vương vấn hận thù.

Cậu bé thoát chết trong cái đêm oan nghiệt gần 10 năm trước giờ đã thành cháu rể của Lả. "Thằng P. lấy con bà chị gái, chúng nó cũng bìu ríu nhau lên đây thăm cậu. Thoạt tiên hai gia đình cấm ghê lắm, trong dòng họ không ai đồng ý đâu. Nhưng bọn nó quyết tâm, còn tìm cách trốn đi. Mọi người sợ quá, đành cho cưới". Lả sung sướng, cười nheo mắt.

Sau khi gây án, Lả phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 20 triệu đồng, theo phán quyết của Tòa án. Mới rồi, vợ chồng cháu gái thương cậu, đem đến tận nhà trả lại 7 triệu, số tiền đôi vợ chồng trẻ tích lũy được, giúp cậu vợi bớt khó khăn và nguôi đi nỗi mặc cảm trong lòng.

Cậu bé P., giờ đã ra dáng một người đàn ông chững chạc, không còn quay quắt gì với câu chuyện xưa cũ. Hai bên gia đình, hai dòng họ coi đó như một tai nạn, chung quy cũng chỉ vì rượu, một dấu ấn buồn cần chôn vùi tận đáy sâu tâm khảm. Thi thoảng, bà con trong thôn trong bản chỉ viện dẫn cái "tai nạn" đó để nhắc nhau trong những bữa rượu mà sự kiềm chế của người trong cuộc xem ra đã sắp sửa thành quá khích.

Bọn trẻ say sưa tận hưởng dư vị của tình yêu, không màng tới những bức bối trong mối quan hệ của các bậc cha chú. Đôi trai gái hồn nhiên xóa nhòa đi mối bất hòa giữa hai dòng họ, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc của đôi bạn trẻ cũng góp thêm một lời động viên, khiến Lả càng tích cực hơn trong mỗi tháng ngày ở trại. Lả cần cù lao động, không bao giờ vi phạm nội quy của trại giam. Lả bảo phải giữ cho mình, cho gia đình và giữ cho các "thầy". Lả vẫn thích gọi các cán bộ và quản giáo bằng "thầy". "Thầy", bởi thực sự các quản giáo đã luôn là chỗ dựa tinh thần, theo sát từng bước tiến, những biến chuyển nội tâm của Lả trong chuỗi ngày dài thụ án.

Bây giờ thì Lả sợ rượu lắm rồi. Nghĩ tới cái vị tê tê, cay nồng trong lưỡi là Lả đã rùng mình. Rượu lấy mất của Lả gần 10 năm, quãng thời gian sung sức nhất của cuộc đời một người đàn ông. Lả tự biết mình đã làm khổ cho vợ con nhiều, và chỉ có tu dưỡng, sống tốt hơn nữa, Lả mới đền bù được những thiệt thòi mà mình gây ra cho gia đình.

Về nhà, Lả sẽ lại làm nương, chăn bò, chỉ cần chịu khó đôi chút, cũng dư dả cái ăn cái mặc. Nỗi canh cánh của Lả không phải là kế sinh nhai khi ra khỏi trại, mà làm cách nào, đi tìm được phần mộ của người anh đã ngã xuống gần 40 năm trước.

Lả bảo, anh trai cũng cao to như mình, ngày đi bộ đội, anh còn trẻ lắm. Khi đã nằm lại bên đất Lào, liệt sỹ Lò Văn Sy cũng chưa chạm tới tuổi 20. Sự hy sinh của anh cho đất nước đã là tình tiết giúp Lả được hưởng sự khoan hồng, được xét đặc xá ra tù trước thời hạn.

Khi bố mẹ còn sống, ông bà vẫn quay quắt với chuyện tìm phần mộ của người con trai lớn, đem về quê hương bản quán. Lả cũng muốn anh mình được nằm trên chính mảnh đất Nà É, Mường Kim, cho gần bên cha mẹ, dân bản, gần anh em, cháu chắt.

Bao năm cuộc sống còn bộn bề chật vật, không ai có khả năng cho một hành trình dặm dài xa ngái, mà chưa hề hoạch định được phương hướng. Mọi người chỉ biết anh ngã xuống trên chiến trường Lào, chứ cụ thể phần mộ được an táng ở đâu, giấy báo tử cũng không nói rõ.

Được trở về, Lả tự nhủ với mình, sẽ sắp xếp cùng các anh chị, tìm cách đưa phần mộ anh trai về quê. Lả chính là người hưởng phúc phận từ anh, và bởi thế, hơn lúc nào hết, Lả muốn sau những ngày tháng tận hưởng cuộc sống tự do, sẽ lại bắt tay vào hành trình mới: Hành trình tìm kiếm anh ruột của mình, liệt sỹ Lò Văn Sy, hy sinh năm 1972 ở chiến trường Lào

H. Sen - L. Thúy
.
.
.