Dựng bia đá mong công ơn ghi tạc

Thứ Năm, 23/07/2009, 20:01

Chúng tôi xin phép được mượn mấy dòng trong bài văn bia của GS, AHLĐ Vũ Khiêu để làm tít cho bài viết của mình. Âu cũng là sự cảm ơn giáo sư đã dành tâm huyết và tình cảm viết bài văn bia gồm 6 phần đề tại Đền Liệt sĩ K'Năk, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương và thân nhân các liệt sĩ.

Quân thù ngày ấy..../chiếm đất K'Bang/ xây đồn K'Năk

Đã hơn 34 năm trôi qua, trận đánh đồn K'Năk đã lùi vào quá khứ, nhưng hôm nay, mỗi khi nhắc lại, nhiều người không khỏi rưng rưng trước sự hi sinh, mất mát của quân và dân ta ở đây vào rạng sáng ngày 8/3/1965.

Theo những tài liệu để lại, cụm cứ điểm K’Nak của địch (còn gọi là Trường Huấn luyện biệt kích K'Năk) nằm trên ba quả đồi, thuộc huyện K’Bang (Gia Lai), cách phía bắc thị xã An Khê khoảng 25km. Khu vực này được bao bọc bởi các thung lũng, khe suối, sình lầy, có tác dụng cản đường tiến quân, tập kích của đối phương. Từ căn cứ này, qua đường không, địch có thể nhanh chóng kiểm soát các hướng di chuyển của ta từ Bắc vào Nam và từ miền biển của Trung Bộ lên Tây Nguyên. Bằng đường bộ, địch có thể tập kích vào các hướng di chuyển của quân ta từ Bình Định lên Pleiku...

Đầu năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã chỉ đạo Trung đoàn 10 bộ binh, Tiểu đoàn 409 Đặc công Quân khu (hơn 300 người), cùng bộ đội và du kích địa phương ở Gia Lai tiến hành công tác chuẩn bị tấn công đồn K'Năk. Hồi 18h, quân ta tiến đến sát suối Đắk Lốp và 19h thì tiếp cận mục tiêu. Tất cả các vị trí đều đã triển khai theo kế hoạch. Được lệnh ta tấn công, chiếm lĩnh các điểm trọng yếu rồi đánh sốc vào trung tâm căn cứ, khiến địch không kịp triển khai không lực.

Tuy nhiên, vào lúc 23h30', ở phía Bắc, mũi tiến công của Đại đội 40 có sơ suất kỹ thuật trong quá trình dò gỡ mìn, mìn nổ và phát sáng nên kế hoạch tấn công bị bại lộ, địch lập tức nhả đạn pháo trùm lên toàn bộ đội hình. Tiến thoái lưỡng nan, các đơn vị của ta chấp nhận hy sinh, dốc toàn lực vượt qua bão đạn, tấn công vào các vị trí của địch.

Sau nhiều giờ chiến đấu dũng cảm, đến 0h30' ngày 8/3/1965 quân ta đã đánh chiếm được điểm cao phía Bắc và phía Nam, nhưng hướng chủ yếu ở giữa chỉ chiếm được một nửa và đã bị quân địch nhả đạn tới tấp từ các hầm cố thủ, khiến thương vong rất nặng...

Trước khi quân ta tổ chức tấn công, đồng chí Nguyễn Trọng Ẩm Chính trị viên phó tiểu đoàn đặc công, phụ trách công tác hậu phẫu đã chỉ đạo đào sẵn 50 huyệt bên suối Đắk Lốp, cạnh Trạm Trung phẫu, cách vị trí địch 8km để mai táng liệt sĩ sau trận đánh. Song chỉ có 8 đồng chí bị hy sinh ngay từ đầu trận đánh mới đưa ra được phía sau để chôn cất, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi và liệt sĩ Phạm Văn Thành. Về sau, địch phản kích anh em hy sinh gần hết, lực lượng cứu thương cùng dân công hỏa tuyến cũng hy sinh nên không còn người cấp cứu và tải thương ra.

Tuy chưa có con số chính xác về số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh trong trận đánh đồn K'Năk, nhưng theo những nhân chứng cho biết thì ít nhất là hàng trăm người. Những người dân ở địa phương kể lại, sau trận đánh, địch đã gom thi thể bộ đội thiêu hủy và vùi lấp khắp quanh đồn. Điều đau xót nữa là trận đánh căn cứ K'Năk đến nay đã hơn 44 năm nhưng chúng ta vẫn chưa thể tìm hết hài cốt các liệt sĩ hy sinh...

Có ai về chốn cũ K'Bang/ Hãy tìm đến nơi đây K'Năk

Chủ tịch UBND huyện K'bang Phan Minh Túc cho biết, năm 1984, huyện được thành lập, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đã đẩy mạnh việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ, đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện để an táng. Ngoài ra, thân nhân các liệt sĩ từ khắp nơi cũng nhiều  lần về K'bang để thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong đó đặc biệt là anh Phạm Văn Mẫn, em trai của liệt sĩ Phạm Văn Thành hy sinh trong trận đánh đồn K'Năk đã nhiều lần về đây thực hiện ước nguyện của gia đình, tìm kiếm hài cốt anh trai cùng hài cốt nhiều liệt sĩ khác.

Năm 2002, trong đợt khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ tại K'bang, được sự giúp đỡ của Trung tá Nguyễn Văn Ẩm hiện ở Đô Lương, Nghệ An, người đã trực tiếp mai táng 8 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh căn cứ K'Năk, nên địa phương đã tìm được hài cốt một số liệt sĩ bị vùi lấp, trong đó có hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Thành và liệt sĩ Ngô Trọng Đãi.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ huyện K'bang, Gia Lai, đến tháng 7/2009 đã quy tập được tổng cộng 262 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn K'Năk, có 5 hài cốt liệt sĩ xác định rõ được tên tuổi, quê quán được người thân đưa về quê, còn lại 257 hài cốt liệt sĩ an táng tại nghĩa trang liệt sĩ K'bang, Gia Lai.

Đền liệt sĩ K'Năk sắp được hoàn thành.

Xây ngôi đền để ngày tháng khói hương/ Dựng bia đá, mong công ơn ghi tạc

Chiến tranh đã lùi xa và trận đánh đồn K'Năk ở K'bang, Gia Lai diễn ra cách đây hơn 44 năm, nhưng hôm nay vẫn chưa thể tìm hết được các hài cốt liệt sĩ hy sinh ở đây. Điều này đã làm các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhiều người day dứt. Để góp phần tôn vinh những liệt sĩ hy sinh vì đất nước và thực hiện đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", Báo CAND, Chuyên đề ANTG phối hợp cùng chính quyền huyện K'bang, Gia Lai mở đợt quyên góp ủng hộ tu chỉnh nghĩa trang liệt sĩ K'bang và xây dựng Đền tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh căn cứ K'Năk.

Đây không chỉ là tâm niệm của người thân, gia đình các liệt sĩ, những người làm Báo CAND và Chuyên đề ANTG, chính quyền địa phương huyện K'bang, tỉnh Gia Lai mà còn là ước nguyện chung của đông đảo nhân dân. Sau hơn 1 năm phát động có hơn 100 tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm thông qua báo hoặc trực tiếp tại địa phương đóng góp hơn 6 tỷ đồng trong tổng số hơn 8 tỷ đồng kinh phí xây dựng đền. Số tiền còn lại là ngân sách tự có của huyện, sự hỗ trợ của tỉnh Gia lai và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Không thể kể hết tấm lòng của các nhà hảo tâm như gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Gia đình Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng Công ty Viettel Quân đội, Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi (K'Bang), Thủy điện Vĩnh Sơn (Sông Hinh), Công ty Đường Bình Định... Đặc biệt, Công đoàn Điện lực Hải Phòng và gia đình bà Vũ Thị Mai (Mai Quỳ, Hà Nội) đã trực tiếp đưa đồ thờ trị giá hàng trăm triệu đồng từ phía Bắc vào cung tiến tại đền.

Chúng tôi xin trân trọng ghi nhận và cảm ơn những tình cảm tốt đẹp bằng những việc làm của tập thể và cá nhân đã đồng hành cùng với Báo CAND và Chuyên đề ANTG tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì mảnh đất Tây nguyên của đất nước

P.V.M.
.
.
.