Dư nợ nước ngoài có xu hướng tăng do nợ tự trả của doanh nghiệp

Thứ Năm, 16/11/2017, 08:24
Tốc độ tăng thu và quy mô thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm nhanh hơn dự kiến, gây khó khăn trong cân đối ngân sách – trước thềm phiên chất vấn sáng 16-11, báo cáo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – người đầu tiên đăng đàn, thừa nhận.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - nguyên nhân của việc giảm thu ngân sách chủ yếu do: thực hiện chủ trương giảm thuế suất một số sắc thuế lớn và cắt giảm thuế quan, chủ động hội nhập kinh tế; thu dầu thô giảm do yếu tố giá và sản lượng ở mức thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, quá trình đổi mới cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là các trụ cột về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tài chính-ngân hàng còn rất chậm so với yêu cầu.

Tỷ trọng thu từ dầu thô giảm mạnh từ mức 15,3% năm 2011 xuống còn 3,5% năm 2017; trong khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm từ 21,6% xuống còn 14,5% trong cùng kỳ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tốc độ tăng thu từ sản xuất kinh doanh giảm từ mức bình quân 27% giai đoạn 2006-2010 xuống 15% giai đoạn 2011-2015 và xuống khoảng 12-13% năm 2016-2017, gắn với diễn biến tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2017 giảm (bình quân giảm trên 1%/năm so với giai đoạn 2006-2010), tốc độ tăng giá giai đoạn 2011-2017 đã được kiểm soát ở mức thấp hơn và điều chỉnh giảm nghĩa vụ thuế; thực hiện miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí hỗ trợ nền kinh tế.

Cân đối thu ngân sách trung ương cũng được thừa nhận là khó khăn do các khoản dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng chậm, thậm chí giảm, trong khi thu nội địa (phần lớn trong số này phân cấp cho ngân sách địa phương) tăng với tốc độ cao hơn.

Quy mô thu ngân sách địa phương trong tổng thu nội địa có xu hướng tăng, nhưng không đồng đều giữa các địa phương và chưa vững chắc, do số thu ở nhiều địa phương còn phụ thuộc vào các khoản thu từ đất đai, tài nguyên hoặc một vài doanh nghiệp lớn như bia, thuốc lá, ô tô, điện và hoa lợi công sản (quỹ đất có hạn, giá đất chênh lệch lớn giữa các địa phương).

Chính sách thu đã từng bước được điều chỉnh, nhưng so với yêu cầu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 còn chậm (theo dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020, cần điều chỉnh chính sách thu nội địa để đảm bảo tỷ lệ huy động vào ngân sách không thấp hơn 23,5%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 21%GDP, góp phần bù đắp giảm thu từ dầu thô và thu từ cân đối xuất nhập khẩu, qua đó đáp ứng yêu cầu chi và giảm bội chi ngân sách).

Về nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Đến cuối năm 2016, dư nợ công bằng 63,6% GDP, nợ Chính phủ bằng 52,6% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 44,7% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2017, nợ công bằng 62,6% GDP, nợ Chính phủ bằng 51,8% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,2% GDP, trong giới hạn cho phép.

  Cơ cấu nợ Chính phủ chuyển biến theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài (nợ trong nước của Chính phủ tăng dần từ mức 39% năm 2011 lên 60% năm 2017. Nợ nước ngoài giảm dần từ mức 61% năm 2011 xuống còn 40% năm 2017), góp phần giảm rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

  Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho biết: Cơ chế quản lý nợ còn phân tán, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam cũng như thay đổi của thông lệ quốc tế.

  Khả năng giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài có thể vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (300 nghìn tỷ đồng), bao gồm giải ngân các khoản vay ký kết mới trong giai đoạn 2016 - 2017, các dự án đang đàm phán ký kết, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, hoặc các dự án đã ký kết chưa bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội phê duyệt.

  Lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA (từ tháng 7/2017) và ADF (từ tháng 1/2019), làm tăng chi phí huy động và nghĩa vụ trả nợ. Tỷ trọng các khoản vay ưu đãi có lãi suất thả nổi trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ tăng, làm tăng nghĩa vụ trả nợ và rủi ro về lãi suất

  Việc kiểm soát chi phí các hạng mục sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ. Dư nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng (năm 2016 tăng 14,5% so với năm 2015, trong đó nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng 26,8%). 


Vũ Hân
.
.
.