Đủ diện tích ở tối thiểu mới được nhập khẩu vào các TP lớn

Thứ Hai, 12/04/2010, 15:15
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ... Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại TP Hà Nội, TP HCM phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người.

Bộ Công an đã có tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú. Theo đó nhiều hành vi lạm dụng có liên quan sẽ bị nghiêm cấm…

Những vấn đề tồn tại

Theo đánh giá của Bộ Công an, qua hơn hai năm thực hiện Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công an các địa phương đã giải quyết cấp hơn 750 ngàn sổ hộ khẩu, trong đó đăng ký thường trú cho 518.661 hộ gia đình với trên 2,3 triệu nhân khẩu. Tách 520.332 sổ hộ khẩu với khoảng 1 triệu nhân khẩu. Đồng thời, điều chỉnh khoảng 375 ngàn trường hợp có thay đổi hộ khẩu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công an cũng như thực tế cho thấy việc sau hơn hai năm thực hiện Nghị định này đã bộc lộ một số những khó khăn vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cư trú.

Đơn cử như việc Nghị định 107/2007/NĐ-CP chưa có quy định nghiêm cấm hành vi cho người khác đăng ký vào nơi cư trú của mình để trục lợi, nên thực tiễn thời gian qua, một số trường hợp đã cho người khác đăng ký vào nơi cư trú của mình vì mục đích vụ lợi.

Mặt khác, trong Nghị định này có quy định nơi cư trú của công dân (nơi thường trú hoặc tạm trú) là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống; chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Quy định này chưa cụ thể về tiêu chí để được coi là thường xuyên sinh sống và không hạn chế số người được đăng ký thường trú vào một nhà. Thực tiễn đã chứng minh ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM xuất hiện tình trạng nhiều người cùng đăng ký vào một chỗ ở.

Công an quận Cầu Giấy - Hà Nội tiến hành làm thủ tục nhập hộ khẩu cho công dân.

Nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ việc nhập hộ khẩu

Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP vừa được Bộ Công an trình Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khá cụ thể nhằm đảm bảo kiểm soát tốt việc nhập cư.

Một trong những biện pháp là nghiêm cấm hành vi lạm dụng cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở, nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định. Ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu.

Liên quan đến việc đăng ký thường trú, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Theo đó, chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Nhưng đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại TP Hà Nội, TP HCM phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người.

Liên quan đến Điều 7 quy định điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo cũng giữ nguyên quy định: Công dân đang tạm trú phải đảm bảo đủ các điều kiện mới được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm mới trong điều khoản này theo Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú phải là một trong số các giấy tờ sau: Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an; Xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về thời gian và nơi đăng ký tạm trú (đối với trường hợp đăng ký tạm trú nhưng không cấp sổ tạm trú).

Liên quan tới quy định về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, đối với nhà ở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - những nơi có mật độ dân cư đông phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Bên cạnh đó, các trường hợp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì hợp đồng này không cần công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã. Theo dự kiến thì Nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010.

Trần Huy - Đức Thọ
.
.
.