Đề xuất bỏ cơ chế khoán trong hoạt động xe buýt

Thứ Năm, 23/07/2009, 11:07
Cục Đường bộ đề xuất thực hiện cơ chế quản lý tập trung thay thế cơ chế khoán vốn đang thực hiện tại các hợp tác xã xe buýt ở TP HCM. Đồng thời, ưu tiên phát triển các loại phương tiện có sức chứa trung bình từ 45 đến 80 chỗ ngồi.

Ngày 21/7, Bộ GTVT đã họp bàn về đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt giai đoạn 2010 - 2020. Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ cho rằng, hoạt động của xe buýt hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập. Trong đó phổ biến tình trạng xe bỏ điểm dừng... không đón trả khách.

Ngoài ra, tại TP HCM còn có tình trạng nhân viên xe buýt đối xử không tốt với khách đi xe vé tháng và khách được miễn vé. Cũng theo Cục Đường bộ, việc phát triển xe buýt tại TP HCM hiện nay đang có nhiều hạn chế hơn Hà Nội.

Cụ thể, như mạng lưới tuyến và trợ giá trên địa bàn thành phố cao hơn Hà Nội đến 2 lần (1.783 đồng/ hành khách, trong khi Hà Nội chỉ là 815 đồng) nhưng sản lượng vận chuyển khách chỉ bằng 85%.

Cục Đường bộ cho rằng, nguyên nhân do các hợp tác xã quản lý theo hình thức khoán, hoạt động trên danh nghĩa và là đầu mối nhận, phát tiền trợ giá cho xã viên còn phương tiện xã viên tự điều hành. Trong khi đó, các chủ xe chỉ quan tâm đến kinh doanh nên chất lượng phục vụ kém.

Vì thế, Cục đề xuất thực hiện cơ chế quản lý tập trung thay thế cơ chế khoán vốn đang thực hiện tại các hợp tác xã hiện nay. Đồng thời, ưu tiên phát triển các loại phương tiện có sức chứa trung bình từ 45 đến 80 chỗ ngồi. 

Riêng với Hà Nội, Cục Đường bộ đề xuất, thiết lập mạng lưới xe buýt mở rộng đến các địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Đồng thời đầu tư đổi mới phương tiện, phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng 15 - 20% nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, đề án kiến nghị, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất vốn vay ngân hàng để các địa phương, doanh nghiệp đầu tư đổi mới phương tiện. Ngoài ra, xây dựng cơ chế chính sách trợ giá cho hoạt động xe buýt tại các địa phương

T. Huyền
.
.
.