Đề nghị thành lập cơ quan thẩm định giá đất độc lập

Thứ Tư, 06/11/2013, 23:11
“Đất đai là tài sản vô giá của cha ông, của muôn đời con cháu mai sau, là tài sản thiêng liêng của quốc gia không thể do cá nhân nào làm ra” - giá trị của đất đai đã được các đại biểu đánh giá, ngày 6/11, tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vì thế, đất đai không thể bị thu hồi “vô tội vạ” rồi quy hoạch “treo” để lãng phí nguồn công thổ, người dân thì mất kế sinh nhai, nghèo đói… Đất chỉ được “ưu tiên” đặc biệt cho mục đích an ninh - quốc phòng. Các dự án với mục đích kinh tế, nếu không trưng mua sẽ là “điểm nghẽn”. Và, nên bỏ hẳn cơ chế xin - cho đã từng tồn tại…
>> Chỉ bồi thường một vụ khi thu hồi đất có cây trồng là chưa thỏa đáng

Đất không trưng mua vẫn là “điểm nghẽn”

Bàn về sở hữu đất đai, đa số các đại biểu cho rằng đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý là phù hợp. Điều đó thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong đất đai.

Có ý kiến lại cho rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân là chưa phù hợp thực tế. “Cần phải bổ sung vai trò của Quốc hội và cơ quan khác trong đất đai”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị. Và, cần làm rõ khái niệm đất lưu không, vì loại đất này đang tồn tại ở đô thị nhiều, đang gây tranh chấp ở một số nơi. Trong trường hợp đất bị tổ chức, cá nhân lấn chiếm, Nhà nước có quyền thu hồi đất. Các đại biểu đề nghị cần quy định một điều riêng trong thu hồi đất cho an sinh xã hội. Việc thu hồi đất phải đảm bảo tính dân chủ và công khai. Người dân phản ánh, họ không biết gì về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch thu hồi đất, nên đưa người dân vào cuộc.

Nếu lấy ý kiến đóng góp của người dân về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở trang thông tin của Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh thì không phải ai cũng tiếp cận được trên trang điện tử. “Cần bổ sung tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân trước khi trình HĐND thẩm định”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị.

Việc tái định cư khi thu hồi đất phải được thực hiện để người dân có cuộc sống bình thường. Ông Sinh ví dụ dự án thủy điện Hòa Bình, đời sống người dân bị thu hồi đất cho dự án này đã bị ảnh hưởng, nhiều hộ nghèo, nhiều người túng quẫn trong tìm kế sinh nhai. Chỉ vì trước đó không có quy hoạch tái định cư. Tình trạng một số người dân miền núi hiện nay không có đất sản xuất, vì họ đã giao đất cho nông - lâm trường. Không phát triển được, nông - lâm trường lại cho người dân thuê lại, họ đã làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Các đại biểu đề nghị, phải xem xét lại đất các nông - lâm trường để phân phối lại cho dân sản xuất.

Có đại biểu cho biết, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai còn thiếu tính khả thi (chậm 24 tháng so với triển khai dự án). Thực tế, nhiều dự án bỏ trống kéo dài, gây bức xúc cho người dân bị thu hồi đất. Cơ quan chức năng đã thu hồi lại nhưng không thực hiện được, cần phải kiên quyết thu hồi với các trường hợp chây ì. Vì họ đã làm cơ sở hạ tầng, đầu tư san lấp. Nếu không làm rõ chế định này (điều 64) thì sẽ vô cùng khó khăn và dễ nảy sinh tranh chấp.

“Với mức đền bù cây cối hoa màu được tính bằng sản lượng thu hoạch vụ cao nhất trong năm. Như vậy là không cụ thể, vì đời sống của người dân chỉ dựa vào cây lúa. Nhưng vì lợi ích doanh nghiệp, nhà đầu tư mà đời sống người dân thiệt thòi thì họ sống bằng gì”, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) lo lắng.

Cơ chế giao đất, thu hồi đất nếu không cụ thể sẽ xảy ra tiêu cực. Thực tế có sự chênh lệch cao giữa đất ở và đất nông nghiệp, như vậy là không công bằng. Nếu đất nông nghiệp được chuyển sang đất ở là mất một khoản tiền lớn, vì vậy nảy sinh tình trạng xây dựng trái phép. Về đất thu hồi cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị không thu hồi mà phải “trưng mua”.

“Nếu lần này vẫn quy định như điều 62, mà không trưng mua thì vẫn là “điểm nghẽn”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lưu ý.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường ngày 6/11. Ảnh: TTXVN.

Ưu tiên đất an ninh - quốc phòng

“Cùng với sửa đổi Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật Đất đai là sự quan tâm đặc biệt của người dân”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đánh giá về tầm quan trọng của Dự luật sửa đổi. Trong đó, việc quản lý đất an ninh - quốc phòng, ông Hồng đồng tình cao với quy định tại Điều 61.

Để đảm bảo tính thống nhất, cần quy định đất xây dựng cho lực lượng vũ trang. Trụ sở là nơi cán bộ chiến sĩ thường trực giải quyết vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, thao trường luyện tập, cất giữ phương tiện… Nó không giống với doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị, bổ sung đất an ninh - quốc phòng để xây dựng nơi làm việc  cơ quan lực lượng vũ trang là hết sức cần thiết.

“Nơi đóng quân, nơi làm việc của lực lượng vũ trang” là chưa đầy đủ, còn phải có bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà nghỉ dưỡng… của lực lượng vũ trang nhân dân. Đại biểu đề nghị bổ sung, xây dựng nhà tạm giữ, nhà tạm giam, trường giáo dưỡng do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý. Và để thực hiện chính sách nhân đạo, xây dựng trường bắn quốc gia… thì vẫn chưa có đất cho các loại hình này. Bên cạnh đó, là thực hiện chính sách hậu phương Quân đội - Công an về nhà ở...

Cùng với việc thu hồi đất, các đại biểu đề nghị cần có cơ quan nghiên cứu giá đất. Chính quyền dựa vào đâu để tính đúng, tính đủ và người dân cũng căn cứ vào đâu để được đảm bảo quyền lợi. Vì thế cần phải có cơ quan nghiên cứu, tham chiếu.

“Để tránh lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất, vấn đề quy hoạch cần chặt chẽ, tránh hậu quả thời gian qua các khu công nghiệp thu hồi đất rồi bỏ hoang lãng phí, người dân không có đất để sản xuất dẫn tới đói nghèo. Tránh việc cứ quy hoạch là thu hồi, bỏ hoang sẽ lãng phí rất lớn”, đại biểu Trần Ngọc Vinh lo lắng. Ông Vinh cho rằng, giá đất thiếu khách quan, minh bạch. Đề nghị thành lập cơ quan thẩm định đưa ra giá đất, độc lập cơ quan quản lý sử dụng đất, tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Và, phương án hỗ trợ nghề phải lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi, trách nhiệm cơ quan lập dự án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ việc làm, tránh việc làm hình thức qua loa. Làm sao để người dân bị thu hồi đất đảm bảo có kế sinh nhai, tránh khiếu kiện khi bị thu hồi đất.

Đại biểu đề nghị, dự án nào tiến độ chậm sau 24 tháng khi bàn giao đất, phải nộp tiền cho Nhà nước tương đương tiền thuê đất. Sau đó, nếu vẫn không sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất để hoang hóa lâu ngày.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Cà Mau): Cần đấu giá đất

Chuyển đất đang sử dụng vào xây dựng công cộng, đô thị, cần đưa ra đấu giá, dân cư thảo luận giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, tránh thu hồi tràn lan. Giá phổ biến, phù hợp xu thế Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Vậy thế nào là giá trị trường, phải để thị trường quyết định qua đấu giá chứ không phải do Nhà nước đưa ra hàng năm. Vị trí khác nhau là khác nhau, không có chuyện so đo tị nạnh.

Trong quá trình đấu giá, người dân được tham gia, theo thị trường người bán và người quyết định bán, không thể xem người bị thu hồi đất đứng ngoài cuộc, không phải tổ chức họp dân như hiện nay. Đã kinh doanh thương mại là phải đấu giá minh bạch, sau đó phân chia người dân được bao nhiêu. Nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, tham gia đấu thầu để người dân tham gia. Bỏ hẳn cơ chế xin - cho.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc): Tránh đầu cơ đất

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, điều đó thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong đất đai, nhưng thực thế không như vậy. Nhiều tổ chức, cá nhân giàu nhanh chóng do tham nhũng liên quan đất đai. Việc thu hồi đất phải nằm trong quy hoạch, tránh đầu tư dàn trải, tránh lãng phí.

Giá đất quyết định do các bên có chung lợi ích. Không tập trung vào một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thuê dịch vụ thẩm định giá đất theo hướng chuyên môn khách quan. Đảm bảo tính minh bạch cao, tránh đầu cơ sốt đất, bong bóng đất… Thời gian qua, UBND tỉnh phê duyệt, quyết định giá đất là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, HĐND chỉ là hình thức…

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.