Đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố

Thứ Ba, 21/05/2013, 16:54
Sáng nay, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.

Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và lực lượng Cảnh sát PCCC theo hướng: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy.

Trong trường hợp do thiếu trách nhiệm để xẩy ra cháy, nổ thì phải bồi hoàn chi phí chữa cháy, nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy; phát hiện cháy, báo cháy, tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

Về hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, được chỉnh lý theo hướng hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh, người phụ trách chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức hoạt động kinh doanh phải có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề kinh doanh và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục do Bộ Công an quy định có trách nhiệm phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC xây dựng phương án chữa cháy cho khu dân cư, cơ sở do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an. Về các yêu cầu, điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù, có yêu cầu cao về PCCC, còn chủ thể phải chịu trách nhiệm thực hiện các yêu cầu, điều kiện về PCCC đã được quy định tại các điều khoản khác trong Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cho chặt chẽ hơn về điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho hay, trên thực tế, yêu cầu thành lập, duy trì hoạt động và vai trò của lực lượng dân phòng là rất cần thiết. Lực lượng của đội dân phòng và Đội PCCC cơ sở là nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC, giữ vai trò đặc biệt trong công tác PCCC tại chỗ.

Mặc dù các lực lượng này chỉ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm hoặc tự nguyện nhưng trung bình hàng năm cùng với quần chúng nhân dân đã kịp thời tham gia dập tắt khoảng 50% số vụ cháy, các sự cố cháy từ khi mới phát sinh, góp phần ngăn chặn tình hình thiệt hại do cháy nổ  gây ra đang có chiều hướng gia tăng. Hiện cả nước thành lập được 32. 284 đội dân phòng, nếu so với yêu cầu quy định chỉ đạt 17%. Nguyên nhân chính là do còn thiếu những quy định cụ thể về kinh phí đầu tư, trang bị phương tiện PCCC cũng như chế độ, chính sách còn chưa phù hợp, chưa thỏa đang cho lực lượng dân phòng.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Hoàng Long.

Theo tờ trình, ngày 15/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, trong đó quy định lực lượng Cảnh sát PCCC là lực lượng chuyên nghiệp, thường trực cứu nạn, cứu hộ đối với các trường hợp ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy đinh về thảm họa thiên tai (do UBTKCN chỉ đạo thực hiện). Luật PCCC là luật chuyên ngành, cần phải đưa quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ trong dự thảo Luật này làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Về cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ hiện nay vẫn do Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật, như khí ga dễ cháy, khí ga không dễ cháy, không độc hại; khí ga độc hại; các chất lỏng dễ cháy và các chất nổ lỏng khử nhạy; các chất đặc dễ cháy…(đây là những chất, hàng ngoài phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ). Hiện nay, có một số ngành nghề kinhh doanh như xăng dầu, điện lực, hóa chất… ngoài việc gây nguy cơ mất an toàn về PCCC cho chính doanh nghiệp mình còn gây mất an toàn cho xã hội và Nhà nước đã phải hỗ trợ đầu tư kinh phí để bảo đảm an toàn PCCC nhiều hơn các ngành nghề khác…

Khẳng định vai trò của Công an trong phòng, chống khủng bố

“Những năm qua, lực lượng Công an đã phát hiện một số vụ gây nổ, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Quá trình vụ việc diễn ra, lực lượng Công an ứng phó trực tiếp và xử lý rất nhanh. Vì vậy, phòng, lực lượng chống khủng bố thường trực là Bộ Công an”, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đã nêu quan điểm. Nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm trên tại buổi thảo luận về dự thảo luật phòng, chống khủng bố, ngày 21/5.

Theo dự luật, khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước CHXHCN Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng… (khoản 1 điều 3). Vì thế, việc phòng, chống khủng bố là hết sức cần thiết, khẳng định sự cần thiết phải thành lập, thể hiện bức xúc, rõ ràng của nhân dân Việt Nam trong chống khủng bố.

Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) cho rằng, khái niệm “khủngbố” là một khái niệm mới, ở thế giới có nhiều khái niệm khủng bố khác nhau. “Phải có Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố  Trung ương và cấp tỉnh” - Đại tá Phạm Trường Dân (ĐB Quảng Nam) nêu ý kiến.

Ông Dân phân tích, nên tách bạch ra, không nên để nằm trong Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, vì đó là vấn đề an ninh quốc gia. Riêng ở Trung ương thì Bộ trưởng Bộ Công an thường trực, ở địa phương Giám đốc Công an tỉnh thường trực, có bộ phận tham mưu giúp việc. Còn có chuyên hay không thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đối với người chỉ huy chống khủng bố, theo ông Dân, là người được cấp có thẩm quyền quyết định. Trường hợp chưa có người chỉ huy chống khủng bố cấp có thẩm quyền quyết định, thì đề nghị nên giao Trưởng Công an huyện chỉ huy. “Nhận thông tin, Công an tỉnh sẽ xuống ngay theo sự phân công của lực lượng Công an, chứ chung chung sẽ không biết  ai chỉ huy”, ông Dân nêu quan điểm.

Về Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố (điều 12) quy định, Bộ trưởng Bộ Công an là thường trực phòng chống khủng bố quốc gia, Giám đốc Công an tỉnh làm thường trực phòng, chống khủng bố cấp tỉnh. Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), như vậy là chưa rõ. Ông Học phân tích, nếu Bộ trưởng là thường trực thì ai là phó Ban thường trực. Đại biểu đề nghị, quy định Bộ Công an là thường trực Trung ương, Công an tỉnh là thường trực địa phương (tỉnh) thì sẽ huy động được nhân lực, vật lực, phát huy trách nhiệm cá nhân tốt hơn…

Khẳng định về vai trò của lực lượng Công an trong phòng, chống khủng bố, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu rõ, giao trách nhiệm cho Bộ Công an, vì quá trình vụ việc diễn ra, lực lượng Công an ứng phó kịp thời. Thưc tế cho thấy trách nhiệm của lực lượng Công an rất rõ ràng…

Kiến nghị Trưởng Công an là người chỉ huy

“Khủng bố là tội phạm đặc biệt. Tổ chức cá nhân khủng bố thì người dân không dễ nhận biết. Chỉ có cơ quan có trách nhiệm mới dễ biết và thông báo cho người dân biết”, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) lo lắng. Và ông đưa ra ý kiến, Chính phủ và các tỉnh phải thành lập Ban chỉ đạo, cần phân ban và chế độ rõ ràng. Nếu ai cũng có quyền như nhau thì dẫm chân lên nhau. Trong trường hợp khẩn cấp thì cần quy định thẩm quyền, chức năng cho  từng cấp rất rõ ràng. Đa số các đại biểu đều đồng tình với quan điểm Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở cấp Trung ương và địa phương (tỉnh).

Cũng có ý kiến cho rằng, Quân đội và Công an là hai lực lượng nòng cốt trong phòng, chống khủng bố. “Không nhất thiết ở hầu hết các cấp các ngành, Công an và Quân đội là cơ quan thường trực”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ý kiến. Ông Sơn cho rằng, không nên quy định ở cấp tỉnh có cơ quan tham mưu giúp việc mà một bộ phận thôi (đặt một phòng ở công an tỉnh). Khi xảy ra khủng bố ở một nơi nào đó  thì cần ghi rõ người chỉ huy chống khủng bố là người được ban chỉ đạo phân công. Khi Ban chỉ đạo chưa phân công thì người đứng đầu trực tiếp tổ chức thực hiện.

Ông Sơn ví dụ, khi xảy ra ở trường học thì người đứng đầu trường học phải chỉ huy. Khi xảy ra thì Quân đội là lực lượng chủ lực, điều này trong Luật thấy còn chung chung. Và, Ông Sơn cho rằng, quân đội phải được coi là lực lượng nòng cốt cùng lực lượng Công an.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương) cho rằng, chỉ nên huy động lực lượng ở Bộ chuyên môn đặc thù như Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng). Tổ chức chỉ huy chỉ đạo, giúp UBND cùng cấp phối hợp liên ngành chống khủng bố, đảm bảo tính kịp thời, cấp thiết... Về người chỉ huy chống khủng bố, đại biểu Hương cho rằng, vì tính cấp thiết như vậy nên bỏ cụm từ “cấp có thẩm quyền quyết định”.

Đại biểu Phạm Hồng Hương (tỉnh Hải Dương) phát biểu tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) không đồng tình với ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các tỉnh giúp cho các cơ quan, các sở ngành. Theo ông, như vậy chưa thỏa mãn. Cần giao Giám đốc Công an phải tham mưu, đôn đốc thì mới hợp lý… Về quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố, tại điểm c khoản 1, điều 16 quy định “trường hợp khẩn cấp nhưng chưa có quyết định phương án, biện pháp của cấp có thẩm quyền thì áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2 điều 30 Luật này, trừ trường hợp biện pháp đó ảnh hưởng tới chính trị, ngoại giao, xâm phạm đến tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản có giá trị đặc biệt”.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, quy định như vậy thì người được giao nhiệm vụ rất khó xử lý. Nên cho phép, nếu xác định chính xác khủng bố là phải tiêu diệt, nếu không sẽ “bó tay” người làm nhiệm vụ…

Nhóm PVTS
.
.
.