Đề nghị tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước kinh doanh thua lỗ

Thứ Ba, 07/10/2014, 08:43
Thẩm tra Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội ngày 6/10, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần tăng cường kiểm toán đối với những công trình dự án lớn, đặc biệt chú trọng kiểm toán các công trình đã hoàn thành trong năm 2014. Bổ sung kiểm toán việc quản lý sử dụng kinh phí một số chương trình mục tiêu quốc gia. Liên quan đến kiểm toán các doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến đề nghị cần tập trung kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ và có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây...

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu quan trọng trong kiểm toán là “trọng chất, không chạy theo số lượng”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lực lượng cán bộ kiểm toán còn hạn chế, đòi hỏi có sự tập trung, cố gắng làm đến nơi đến chốn, không phải chỉ để kết luận đúng sai, đề xuất xử lý trách nhiệm như thế nào mà còn rút ra được những vấn đề gì cần bổ sung, đặc biệt là về sửa đổi thể chế. Năm 2015, trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán, đây là những văn bản pháp quy gắn với công việc kiểm toán.

Theo KTNN, xác định việc lựa chọn đầu mối đưa vào dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2015 phải đảm bảo đánh giá được việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, KTNN đề nghị thực hiện 184 cuộc kiểm toán, giảm 2 cuộc kiểm toán so với kế hoạch kiểm toán năm 2014. Cụ thể, trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước, dự kiến kiểm toán tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó, 26 tỉnh, thành phố đã được kiểm toán trong năm 2014. Kiểm toán tại 19 bộ, cơ quan trung ương, tăng 5 đầu mối so năm 2014, trong đó, 1 đầu mối kiểm toán thường xuyên hằng năm (Ngân hàng Nhà nước), 2 đầu mối đã được kiểm toán năm 2014 (Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án quốc gia, ngoài các dự án thuộc khối quốc phòng, an ninh, cơ quan Đảng, dự kiến kiểm toán 37 dự án...

Cho ý kiến dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, UBTV Quốc hội đánh giá, dự án nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về môi trường ngày càng phức tạp như hiện nay. Dự thảo Pháp lệnh quy định Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm. Tờ trình của Chính phủ cho rằng, hiện nay tổ chức, hoạt động của Cảnh sát môi trường mới được quy định bằng Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 8/7/2010 quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường) và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để quy định đầy đủ, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho Cảnh sát môi trường… Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho tổ chức, hoạt động của Cảnh sát môi trường nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm là đòi hỏi khách quan và là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Các ý kiến đánh giá, dự án Pháp lệnh đã được Ban soạn thảo chuẩn bị chặt chẽ, việc ban hành Pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát môi trường hoạt động với vai trò nòng cốt trong phòng, chống tội phạm về môi trường, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường, khoản 4, Điều 10 quy định nhiệm vụ: “Tiến hành điều tra đối với các tội phạm về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về điều tra hình sự”. Nhiều ý kiến đề nghị cụ thể hóa loại tội phạm được điều tra để tránh chồng chéo...

M.Đ.
.
.
.