Đề nghị kiểm soát chặt đầu tư công, lãi suất, tín dụng

Thứ Bảy, 22/10/2011, 09:30
Lãi suất ngân hàng cao, tín dụng “đen” đổ bể, nợ công có dấu hiệu phức tạp… Những vấn đề này được đại biểu Quốc hội cảnh báo trong phiên thảo luận ở tổ chiều 21/10 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Buổi chiều ngày làm việc thứ hai, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ. Từ bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại, các phân tích nhìn nhận xu hướng, các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2012 cũng như kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Nếu như đại biểu các đoàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ tập trung nhiều ý kiến vấn đề kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tăng trưởng GDP đến các nguyên nhân dẫn tới chỉ số lạm phát cao, thực trạng nợ công, lãi suất ngân hàng, thì các đoàn Bình Định, Hải Dương, Hưng Yên, Sóc Trăng… dành nhiều thời gian cho các bức xúc kinh tế - xã hội khác như đầu tư công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chất lượng, hiệu quả các công trình xây dựng, vấn đề “nở rộ” trường đại học, thiếu hụt trường mầm non… 

Tham nhũng làm “méo mó”  đầu tư công

Nhiều ý kiến đề nghị, giai đoạn 2012-2015 cần tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể, từ nông thôn tới miền núi. Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) bức xúc: Nhiều quy hoạch của ta không đúng tầm, như cảng biển hiện quá nhiều. Trước miền Bắc cảng biển tập trung ở Hải Phòng, miền Trung ở Đà Nẵng, miền Nam ở TP Hồ Chí Minh, nay nhiều địa phương có biển cũng muốn mở cảng. Rồi sân bay cũng “nở rộ”. Trong khi đó, quy hoạch tầm nhìn hạn chế, chỉ đạo không quyết liệt. Nhiều tuyến đường mở cách đây hàng chục năm đã có 4-6 làn, trong khi đường mới mở, tuyến quan trọng, vành đai lại hẹp (điển hình như đường vành đai 3 ở Hà Nội, tuy quỹ đất rất rộng nhưng mỗi làn đường chỉ có 2 làn xe cơ giới, một làn thô sơ khiến ùn tắc nghiêm trọng).

Trên góc độ đầu tư công, các ý kiến chung quan điểm: đầu tư công chất lượng kém, đây là lỗ hổng dễ bị “rút ruột” nhất, trong khi khâu kiểm tra, giám sát không hiệu quả. Nếu không chấn chỉnh đầu tư công, chúng ta không chỉ mất tiền ngân sách, mất tiền từ các nguồn khác mà quan trọng hơn là mất niềm tin.

Đầu tư công, nhất là lĩnh vực hạ tầng đang là vấn đề bức xúc.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lo ngại: Tham nhũng làm méo mó đầu tư công, Quốc hội cần xem xét xây dựng Luật Đầu tư công, Luật Mua sắm công. Ông viện dẫn, kỷ luật mua sắm, sử dụng vốn ngân sách, mua sắm công lỏng lẻo, các cơ quan, đơn vị lâu nay mua sắm công bao giờ cũng đắt, có khi đắt hơn nhiều lần thị trường, chất lượng lại kém nhưng chưa có ai bị kỷ luật về việc này. Cùng với đó, phải chấn chỉnh đấu thầu, các giải pháp phải biến thành hành động. 

Đại biểu Lê Đông Phong đặt vấn đề việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty. “Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề này, thấy băn khoăn mô hình, nội dung hoạt động kinh doanh của các tập đoàn. Có những tổng công ty không biết có bao nhiêu công ty con, rồi thay đổi chủ thế nào. Vấn đề này phải có giải pháp cụ thể. Lượng tài sản họ chiếm giữ lớn nhưng đóng góp cho GDP rất khiêm tốn” – đại biểu lo ngại.

Nhiều ý kiến đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, công trình xã hội, phúc lợi nhiều nhưng chất lượng không đảm bảo. Thi công cầu đường, nhiều nơi chưa đưa vào sử dụng đã hỏng. Các nước đường làm hàng chục năm chưa phải sửa chữa, nhưng nhiều tuyến đường, ngay cả cao tốc như TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, sửa chữa triền miên. Trong khi đó, câu chuyện quá thừa trường đại học, thiếu trầm trọng trường mầm non cũng được đại biểu làm rõ. Đại biểu Nguyễn Văn Minh đặt vấn đề, dường như càng đổi mới trong giáo dục, càng nẩy sinh các vấn đề búc xúc. Việc ra đời hàng loạt trường đại học khiến các trường thiếu sinh viên, tuyển sinh ồ ạt. Nếu như nhiệm vụ 5 năm tới vẫn nêu ra mà không có cách giải quyết nào thì không giải quyết được vấn đề.

Đổ bể tín dụng “đen”: Hệ lụy từ không kiểm soát được lãi suất

Hiện tượng đổ bể hàng loạt tín dụng “đen” khiến đại biểu Quốc hội lo ngại. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, tín dụng không lành mạnh dẫn đến đổ bể, thất thoát rất lớn. Hiện trạng đó cho thấy tính lành mạnh thị trường vốn đang đứng trước nhiều nguy cơ.

Theo đó, cần rà soát lại hệ thống ngân hàng, chuyển dịch cơ cấu cho vay, hướng tới cho vay tập trung, cho vay tiêu dùng. Có chính sách đẩy mạnh giao dịch qua ngân hàng, như các nước chủ yếu theo hình thức này, hạn chế thanh toán tiền mặt. Các nước lãi suất huy động thấp hơn chỉ số lạm phát, ngân hàng huy động vốn thông qua giao dịch của dân cư chứ không phải đẩy lãi suất vượt lạm phát như ở ta.

Đồng thời, kiểm soát thị trường vàng, đô la, can thiệp hợp lý để dòng tiền không dồn vào đây quá nhiều, gây thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Để khắc phục tình trạng thiếu vốn, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp có hiệu quả, thúc đẩy chứng khoán sôi động, hàng hóa doanh nghiệp đó phải hấp dẫn, đảm bảo sự đầu tư dài hạn chứ không phải lướt sóng...

Hiến kế giải pháp phòng ngừa tín dụng “đen”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị ngoài quản lý giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, phải giám sát hệ thống tín dụng ngoài ngân hàng. Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý hiện tượng cán bộ ngân hàng móc ngoặc bên ngoài, cho vay trục lợi, sau đó trở thành nạn nhân tín dụng “đen”.

Nhiều ngân hàng thương mại “có vấn đề”

Thời gian qua thanh khoản của các ngân hàng thương mại có vấn đề, vì thế họ liên tục cạnh tranh với nhau trong việc huy động vốn, giành vốn trên thị trường, đến mức phải hạ thấp mình xuống để mà thương lượng với người gửi tiền, có thể dẫn tới những bất trắc trong rủi ro hoạt động. Nợ xấu ngân hàng cũng đang tăng nhanh. Nếu chúng ta làm chậm, khoản nợ xấu này sẽ ăn hết vào vốn tự có của ngân hàng, đe dọa an toàn hệ thống…

Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, cần những phân tích, đánh giá độc lập về chất lượng tài sản có của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó chúng ta có những phương án cụ thể để sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại. Anh nào cần thiết cho tồn tại thì tồn tại, anh nào cần chấn chỉnh, “điều trị” và có thể là có vài sự hợp nhất sáp nhập diễn ra sau đó.

(Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

Đ.Trường – K.Quý
.
.
.