Đề nghị bổ sung đối tượng phải xoá đăng ký thường trú

Thứ Năm, 23/10/2008, 08:29
Công an TP Hà Nội đã kiến nghị và đề xuất 9 điểm cần bổ sung, sửa đổi trong việc thực hiện Luật Cư trú. Trong đó, cơ quan Công an đề nghị bổ sung về đối tượng phải xoá đăng ký thường trú như: đối tượng bắt thi hành án, số đi công tác, lao động, học tập, du lịch nước ngoài quá 12 tháng, số người đi nghĩa vụ quân sự và Công an tập trung trong doanh trại…
>> Đăng ký hộ khẩu vào Hà Nội còn nhiều điểm "mắc" / Một triệu người đăng ký thường trú từ khi Luật cư trú có hiệu lực

Thống kê của Công an TP Hà Nội, tính đến thời điểm tháng 8/2008, sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào Hà Nội, dân số trên địa bàn toàn TP Hà Nội hiện có hơn 1,4 triệu hộ và hơn 6,1 triệu nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên.

Thành phố 6,1 triệu dân

Trong số đó có hơn 337 ngàn nhân khẩu là người tỉnh ngoài đến Hà Nội tạm trú, hơn 143 ngàn nhân khẩu là học sinh, sinh viên và hơn 12 ngàn nhân khẩu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tạm trú. Đánh giá của lực lượng Công an cho thấy với tốc độ đô thị hoá nhanh, hạ tầng đô thị phát triển... là áp lực lớn tác động đến tình hình đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Công an quận Cầu Giấy làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cho nhân dân. Ảnh: X.L.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Cư trú bên cạnh các mặt công tác tuyên truyền, Công an TP Hà Nội đã soạn thảo hướng dẫn điều kiện thủ tục đăng ký cư trú để cấp phát cho 29 quận, huyện, thành phố và 577 phường, xã, thị trấn. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo mở thêm các trụ sở tiếp dân tại một số quận, bổ sung 113 điểm tiếp nhận thông báo lưu trú phục vụ nhân dân tại các khu dân cư mới và các địa bàn quá rộng.

Về công tác cải cách hành chính, Công an TP Hà Nội đã nghiên cứu cải tiến quy trình đối với những trường hợp di chuyển trong thành phố giảm thủ tục hồ sơ và giảm số lần đi lại cho công dân từ 6 lần trước đây xuống còn 2 lần.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, tính đến 31/8/2008, toàn thành phố đã đăng ký thường trú cho hơn 181 ngàn trường hợp, hơn 588 ngàn nhân khẩu. Trong quá trình thực hiện Luật Cư trú, thông qua kiểm tra đã phát hiện 5.789 trường hợp khách không thông báo lưu trú, đã xử lý hơn 1.300 trường hợp.

Cũng qua công tác này, lực lượng Công an đã bắt 55 đối tượng truy nã. Công tác đăng ký, quản lý cư trú đã giúp cho lực lượng Công an các cấp xác định được hàng trăm địa bàn phức tạp về ANTT, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và cơ sở kinh doanh nhạy cảm về ANTT, cơ sở kinh doanh dễ bị tội phạm lợi dụng hoạt động như: cướp tiệm vàng bạc đá quý, làm giả tân dược… để trên cơ sở đó giúp cho các lực lượng nghiệp vụ có các biện pháp quản lý, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.

Người dân xa trung tâm được  nộp hồ sơ tại Công an xã

Theo Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong quá trình triển khai Luật Cư trú đã gặp những khó khăn, vướng mắc cụ thể như: Luật Cư trú quy định việc cấp sổ tạm trú không có thời hạn, do vậy khi người tạm trú đến chỗ ở khác, Công an sở tại tiếp tục cấp sổ mới dẫn đến có trường hợp một người có nhiều sổ tạm trú, dễ bị đối tượng lợi dụng hoạt động, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý.

Việc quy định người đến lưu trú chỉ thông báo lưu trú qua điện thoại đã gây nhiều khó khăn, bất cập vì một số điểm tiếp nhận thông báo lưu trú chưa được trang bị điện thoại, cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận lưu trú không biết ngoại ngữ, vào giờ cao điểm buổi tối cùng một lúc nhiều người dân gọi đến Công an phường thông báo lưu trú gây tắc nghẽn không liên lạc được, nhất là ở các cơ sở kinh doanh lưu trú có nhiều người tạm trú hằng đêm thông báo qua điện thoại không ghi được…

Bên cạnh đó, khi nhận được thông báo của cơ quan Công an nơi đến thông báo về việc công dân đã được đăng ký hộ khẩu thường trú, Công an nơi công dân đăng ký hộ khẩu cũ mời công dân lên xoá hộ khẩu và xóa gốc sẽ gây phiền hà cho công dân, nếu họ không đến sẽ dẫn đến một người có hộ khẩu nhiều nơi…

Từ những vướng mắc, bất cập đó, Công an TP Hà Nội đã kiến nghị và đề xuất 9 điểm cần bổ sung, sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời giúp việc quản lý của cơ quan chức năng được hiệu quả. Trong đó có đề nghị bổ sung về đối tượng phải xoá đăng ký thường trú như: đối tượng bắt thi hành án, số đi công tác, lao động, học tập, du lịch nước ngoài quá 12 tháng, số người đi nghĩa vụ quân sự và Công an tập trung trong doanh trại…

Đề nghị Bộ Công an cho phép người dân của một số huyện xa trung tâm TP Hà Nội, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại Công an xã. Sau đó Công an xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ lên Công an huyện xét duyệt đăng ký thường trú theo quy định

Xuân Luận
.
.
.