Đặt giàn khoan phi pháp, Trung Quốc vi phạm nhiều quy định Luật quốc tế

Thứ Ba, 13/05/2014, 12:58
Tại buổi chia sẻ thông tin về tình hình biển Đông do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức sáng 13/5, TS Nguyễn Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao đã phân tích cụ thể, khách quan những vi phạm của Trung Quốc trong việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.
>> Kiều bào ta ở các nước biểu tình phản đối Trung Quốc

Là một trong 4 diễn giả, nhà bình luận tham gia buổi chia sẻ thông tin, với cách nhìn khách quan, dựa trên 3 văn kiện cơ bản gồm Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và các văn kiện khác, TS Nguyễn Thị Lan Anh đã đưa 6 luận điểm chính cho thấy Trung Quốc đã vi phạm hàng loạt các nguyên tắc cơ bản của quốc tế.

Thứ nhất, vị trí hạ đặt dàn khoan Hải Dương-981 nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 119 hải lý, tức là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều 57 UNCLOS ghi rõ: Chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế không vượt quá 200 hải lý từ đường cơ sở. Điều 76 cũng quy định chiều rộng của vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý từ đường cơ sở.

Từ đây, có thể khẳng định, Trung Quốc không thể ngụy biện hay bao biện rằng vị trí hạ đặt dàn khoan thuộc vùng biển thuộc Tây Sa của Trung Quốc như người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đã nói. Trước hết, Tây Sa là tên mà Trung Quốc đặt cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng từ thế kỷ XVII, qua các hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời vua Nguyễn, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa. Việc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bằng cách sử dụng vũ lực năm 1974 là trái với Hiến chương LHQ. Thêm nữa, áp dụng luật pháp quốc tế và UNCLOS thì vùng thềm lục địa ở quanh Hoàng Sa cũng không thể mở rộng đến 200 hải lý bởi đảo Tri Tôn chỉ là một cồn cát.

Cuộc tọa đàm sáng 13/5 đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu, đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Còn theo điều 56 và 76 UNCLOS, Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bởi theo hai điều này, trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quốc gia ven biển có: Quyền chủ quyền với tài nguyên thiên nhiên, quyền tài phán với việc lắp đặt các công trình thiết bị nổi trên biển. Trong khi đó, khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981, họ chưa hề và cũng không hề xin phép hay nhận được sự cho phép nào của Chính phủ Việt Nam.

Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế gồm nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực (thể hiện ở việc các tàu Trung Quốc chủ động tấn công lực lượng kiểm ngư Việt Nam).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vi phạm quyền tự do hàng hải và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. TS Nguyễn Thị Lan Anh nói: “Để chứng minh rõ cho luận điểm này, tôi xin nêu ví dụ về thông báo số 14034 ngày 5/5 của Cục Hải sự Trung Quốc, theo đó cấm tàu thuyền qua lại trong phạm vi 3 hải lý tại vị trí giàn khoan Hải Dương-981 “tác nghiệp”. Thông báo này vi phạm Điều 60 UNCLOS vì điều này quy định khu vực an toàn xung quanh các thiết bị, công trình trên biển không vượt quá 500m.

Điều 58 và 78 của UNCLOS cũng bị Trung Quốc vi phạm vì hai điều này cho phép, tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không. Hành động tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam vi phạm Công ước cấm đâm va trên biển (CORLEG) năm 1972 của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Đó là chưa kể đến trên thực địa, từ khu vực cách giàn khoan Hải Dương-981 từ 7 đến 10 hải lý, tàu quân sự và các tàu hải giám Trung Quốc đã có hành vi xua đuổi tàu thuyền Việt Nam khi đến gần và việc này cũng được thực hiện đối với tàu thuyền của các quốc gia khác.

Cuối cùng, Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước được ký năm 2011”.

Buổi tọa đàm kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ với những phân tích sâu sắc của PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng thuộc Viện biển Đông, và TS. luật sư Lê Thanh Sơn. Đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam rất đồng tình với những phân tích kỹ lưỡng này và đã bày tỏ nỗi quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam và ra tuyên bố đề nghị LHQ và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở biển Đông. Việc Trung Quốc rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam góp phần làm ổn định lâu dài môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Cũng tại buổi tọa đàm này, đại diện một tổ chức nhân đạo xã hội của Pháp đã cho biết, người Pháp và công đồng người Việt Nam tại Pháp rất quan tâm tới những diễn biến trên biển Đông hiện nay. Trong 3 ngày vừa qua, hơn 10 hội người Việt Nam tại Pháp đã ra tuyên bố chung phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam. Vị đại diện này khẳng định, hành động này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa trực tiếp an ninh tại biển Đông và trong khu vực. Các hội người Việt Nam ở Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước liên quan tại biển Đông, lên tiếng phản đối hành động khiêu khích và xâm lược của chính quyền Trung Quốc, vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.

Trong khi đó, đại diện của Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Hàn đã chia sẻ quan điểm, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các cộng đồng quốc tế trong việc lên án hành động sai trái của Trung Quốc bằng cách mở website để thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở ngoài và nhân dân trên toàn thế giới

Sông Thương
.
.
.