"Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân được hưởng”

Thứ Bảy, 15/08/2009, 15:02
Nhiều ý kiến trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW cho rằng cần bổ sung ý "dân được hưởng" vào phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", trở thành "dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân được hưởng".

Ngày 14/8, Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì "dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ văn minh". Đây là một trong những nghị quyết hết sức quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết ra đời đã được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, thổi luồng sinh khí mới vào thực tiễn, tạo nên chuyển biến tích cực, toàn diện trong đời sống xã hội nước ta.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều mục tiêu quan trọng của đất nước đã được thực hiện: chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội đồng thuận, dân tộc đoàn kết; vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ: Quá trình phát triển đất nước trong tình hình mới phát sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải nghiêm túc xem xét, đánh giá thật khách quan, kịp thời có những giải pháp phù hợp, bổ sung các chủ trương, chính sách nhằm bồi đắp và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các đại biểu khi thảo luận cần lưu ý 5 vấn đề, nhất là phân tích những ưu điểm nổi bật, những kinh nghiệm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết vào cuộc sống của các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể các cấp, để từ đó nhân rộng trong thời gian tới; chính sách và pháp luật của Nhà nước là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc và sinh hoạt dân chủ trong xã hội.

Để tiếp tục tạo động lực mới trong việc phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định nhất quán bản chất chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, tất cả mọi lợi ích đều vì dân, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung ý "dân được hưởng" vào phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", trở thành "dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân được hưởng".

Các đại biểu quan tâm thảo luận nội dung này và bổ sung thêm ý kiến nếu thấy cần thiết để có thể đưa vào báo cáo trình Bộ Chính trị sắp tới; từ những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, như vấn đề lợi ích của từng giai tầng đang có biến động trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo… các đại biểu đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, các chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước để điều hòa lợi ích, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng và phát huy hiệu quả các tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân; tăng cường liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Hương Thủy
.
.
.