Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội

Thứ Bảy, 01/11/2014, 23:03
Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại hiệu quả bước đầu... Tuy nhiên, tăng trưởng GDP không đạt yêu cầu đề ra, là do những yếu kém tồn tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để. Tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm: đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các đại biểu đã phân tích những hạn chế, tìm giải pháp cho thời gian tới trong buổi thảo luận ngày 1/11.

Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại hiệu quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thành tựu giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, tiềm lực khoa học công nghệ tiếp tục được tăng cường. Tuy nhiên, tăng trưởng  GDP không đạt yêu cầu đề ra, là do những yếu kém tồn tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để. Tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm: đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các đại biểu đã phân tích những hạn chế, tìm giải pháp cho thời gian tới trong buổi thảo luận ngày 1/11.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Quyết bên lề phiên họp ngày 1/11 của Quốc hội.

Những kiến nghị để tái cơ cấu kinh tế nhìn từ góc độ đảm bảo an ninh trật tự

Theo đại biểu Đỗ Kim Tuyến, để chủ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, lực lượng Công an đã chủ động trong công tác nắm tình hình, nhất là tình hình lĩnh vực cổ phần hoá doanh nghiệp, “sức khỏe” của các doanh nghiệp trước và sau khi cơ cấu lại, tín dụng tài chính, các sơ hở thiếu sót, các vi phạm tội phạm, nhất là tham nhũng, sở hữu chéo, cố ý làm trái trong quản lý kinh tế, chuyển giá trong kinh doanh, các vi phạm về chính sách thuế, và các tác động tiêu cực, từ tái cơ cấu tới ổn định an ninh chính trị (ANCT). Từ đó tham mưu cho Đảng, Chính phủ các giải pháp đảm bảo ANTT để góp phần cho phát triển kinh tế, phục vụ tái cơ cấu đi đúng hướng và hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới ANCT. Bảo vệ ANCT nội bộ, vô hiệu hoá các âm mưu, ý đồ thâm nhập tác động thông qua kinh tế nhằm chuyển hoá nội bộ, lợi dụng các vấn đề nổi cộm về kinh tế để chia rẽ, tạo ra các bất ổn chính trị với mục đích làm giảm lòng tin và kích động chống đối.

Lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống tín dụng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; củng cố kỷ cương kỷ luật trên thị trường tiền tệ, nhất là quản lý xử lý các vi phạm ngoại tệ, thị trường kinh doanh vàng; đánh giá tình hình tín dụng đen, xử lý các vi phạm, làm lành mạnh thị trường tín dụng; góp phần để chính sách tiền tệ đã được hoạch định, điều hành hợp lý theo qui luật...

Thông qua tái cơ cấu để phát hiện đấu tranh chống các vi phạm tội phạm, số vụ phạm tội kinh tế, tham nhũng điều tra xử lý tăng, phối hợp các cơ quan chuyên trách điều tra xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế - tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. 3 năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của ngân hàng Nhà nước, đã điều tra xử lý 76 vụ án có liên quan cán bộ ngân hàng, có 16 vụ vi phạm qui định cho vay với thiệt hại nhiều chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ án quan trọng như vụ Nguyễn Đức Kiên; sai phạm ở Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam; sai phạm của Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng  cổ phần Xây dựng và gần đây nhất là sai phạm trong cho vay của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Đại Dương. Hoặc phát hiện, điều tra xử lý các vụ phạm tội trong kinh doanh các sàn giao dịch vàng, huy động tín dụng trái pháp luật. Trong điều tra đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra với ngân hàng đảm bảo xử lý tội phạm nhưng không gây ra các mất ổn định. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Việc điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm để làm trong sạch bộ máy, hạn chế các thiệt hại về kinh tế và cũng góp phần để cơ cấu lại các ngân hàng, thiết lập kỷ cương quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính tín dụng.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến nêu một số kiến nghị để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế:

1- Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế vừa đảm bảo các yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm ổn định về ANCT. Thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn nhằm vào các vấn đề nổi lên trong thực hiện chính sách kinh tế - xã hội để thực hiện các âm mưu, ý đồ phá hoại, với nhiều phương thức hết sức tinh vi. Do đó, tái cơ cấu phát triển nhưng không để gây mất ổn định ANCT, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; cần đánh giá đúng các tác động cả tích cực và tiêu cực trong quá trình thực hiện để chủ động loại trừ.

2- Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giải quyết các vấn đề bất cập, các rào cản, nhất là hành lang pháp lý sửa đổi bổ sung các luật, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện các nghị định, thông tư liên quan đến quản lý tín dụng, vàng, ngoại tệ (như điều 55 luật các tổ chức tin dụng qui định về tỷ lệ sở hữu cổ phần). Hay là các qui định liên quan tới giám định tài chính phục vụ cho điều tra xử lý tội phạm, thi hành án, cũng như giải quyết các yêu cầu thoái vốn, giải quyết nợ xấu.

3 - Chính phủ chỉ đạo tăng cường hoạt động và nâng cao chất lượng thanh tra kiểm tra, kiểm toán, nhất là đối với đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp;  chủ động phát hiện, xử lý các vấn đề sai phạm, ngăn chặn không để hậu quả xấu, nhất là tình trạng thất thoát đổ vỡ lớn gây thất thoát tài sản trong quá trình tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu, thoái vốn, cổ phần hóa.

4 - Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; lực lượng Công an và các cơ quan chuyên trách tăng cường phối hợp chặt trong nắm tình hình; phát hiện, chủ động phòng ngừa góp phần đảm bảo ANTT trong quá trình tái cơ cấu. Tập trung phát hiện, điều tra xử lý kiên quyết, nghiêm minh, khẩn trương các hành vi phạm tội, thu hồi tài sản giảm mức thấp nhất thiệt hại. Gắn  chống hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng cũng chống dân sự hóa các hành vi phạm tội.

Cần cụ thể hóa mục tiêu tái cơ cấu

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế vướng mắc trong tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên)  cho rằng,  mục tiêu tái cơ cấu còn chung chung, thiếu những chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu. Đề án thì dài (định hướng đến 2030), thiếu sự lượng hóa hằng năm, từng giai đoạn, nên khó nhìn nhận thấy những hiệu quả, chưa đưa ra được những cái chưa được trong từng giai đoạn để ràng buộc trách nhiệm. Đại biểu cho rằng, còn thiếu sự đồng bộ trong tái cơ cấu, quá trình này đòi hỏi sự triển khai đồng bộ quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Sự phối hợp các ngành Trung ương và địa phương còn lúng túng, phải chăng còn có nhiều vướng mắc. Công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được quan tâm đúng mức, việc quy trách nhiệm vi phạm còn chậm xử lý...

Lĩnh vực đầu tư công, đa số các đại biểu cho rằng, bội chi ngân sách ở mức cao, mức trả nợ công vượt ngưỡng 25% là thách thức lớn cho việc triển khai đầu tư công thời gian tới. Hệ thống chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia vào khu vực công chưa đủ mạnh. Đầu tư vào công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình thấp, chưa xử lý triệt để. Nhiều dự án, công trình xây dựng hoàn thành nhưng chưa khai thác một cách hiệu quả, gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước. Hơn nữa, còn thiếu các quy định cụ thể về phân cấp quản lý và gắn với trách nhiệm trong quản lý đầu tư. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Một số doanh nghiệp còn chần chừ trong quá trình triển khai. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tuy đã được  đa số đại biểu đánh giá cao nhưng nhiều đại biểu vẫn lo lắng về các giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa được triển khai đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Còn thiếu cơ chế, nguồn lực tài chính cho việc xử lý nợ xấu. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) lý giải về những mặt còn hạn chế: “Giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các ngân hàng thương mại lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém…”.

Trước những yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến phải đổi mới. “Trước hết là đổi mới con người cho phù hợp” - đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị. Đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng, phải chiếm được cái “đồn”, chứ không phải đột phá khẩu, đó là tăng năng suất lao động, đánh giá lại bước khởi đầu. Ta xem lại phải làm gì, giám sát lần này dù có ra nghị quyết cũng không dừng lại, thúc đẩy chính sách, tăng mô hình tăng trưởng. “Tôi kiến nghị, đưa nghị quyết giám sát để thực thi”, ông Lịch nói. Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là trọng tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Tái cấu trúc là việc rất lớn của đất nước, vì vậy cần thu hút đầu tư…, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục giảm nợ xấu. Và, cần xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các cấp, cá nhân và tổ chức nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao

K.Quý - V.Hân - A.Hiếu
.
.
.