Đảm bảo an ninh, an toàn cho năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2010

Chủ Nhật, 11/04/2010, 16:21
Lực lượng CAND quyết tâm đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện trong năm ASEAN 2010 ở Việt Nam, góp phần vào thành công chung, khẳng định sức mạnh và niềm tin mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó, qua đó tạo dấu ấn đậm nét về một nước Việt Nam đang lớn mạnh, năng động, thông thoáng, cởi mở nhưng chặt chẽ về an ninh, trật tự…

1. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức và điều hành một loạt các hoạt động quan trọng của ASEAN gồm: 2 Hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các bên đối tác diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4 và tháng 10/2010, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 31 (AIPA 31), 8 Hội nghị của các Hội đồng Cộng đồng cấp Bộ trưởng, nhiều Hội nghị Bộ trưởng chuyên trách thuộc các kênh hợp tác khác nhau của ASEAN và nhiều hoạt động giữa ASEAN và các bên đối tác; đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất định hướng hợp tác và hoạt động của ASEAN trong suốt năm 2010; tháng 6/2010 diễn ra Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF) lần đầu tiên tổ chức tại TP HCM.

Với chủ đề "Hướng tới cộng đồng ASEAN - Từ tầm nhìn đến hành động", năm ASEAN 2010 sẽ góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, từng bước hiện thực hóa Hiến chương ASEAN, đồng thời để lại "dấu ấn" Việt Nam của năm Chủ tịch ASEAN, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, đang trên đà phát triển và là "điểm đến an toàn" cho du khách, bạn bè quốc tế.

Trong tháng 1/2010 tại Đà Nẵng, 3 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao mở màn cho năm ASEAN đã diễn ra thành công tốt đẹp trong đó có đóng góp tích cực của lực lượng Công an ở Bộ và địa phương.

Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp với sự tác động mạnh mẽ của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hoạt động phá hoại, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tăng cường quân sự vũ trang, xu hướng ly khai, tự trị, khủng hoảng chính trị có chiều hướng gia tăng.

Trong nước, toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hòa bình", tác động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gia tăng phá hoại tư tưởng, gây chia rẽ nội bộ, kích động biểu tình, tập hợp lực lượng tiến hành "cách mạng màu" ở nước ta; các tổ chức phản động lưu vong người Việt đang tìm cách phát triển lực lượng chống phá, vận động chính khách một số nước Mỹ, EU và các tổ chức quốc tế gây áp lực với Đảng và Nhà nước ta sau khi các cơ quan chức năng bắt, xử lý các đối tượng chống đối, đòi thả các đối tượng này vô điều kiện; tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài và lợi dụng công nghệ cao tăng mạnh, có tính chuyên nghiệp cao là những nguy cơ, yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Mặt khác, năm Chủ tịch ASEAN 2010 diễn ra cùng thời điểm Việt Nam sẽ tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng (kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 65 năm ngày thành lập nước; Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN; kỷ niệm quan hệ với EU, Mỹ, Nga, Trung Quốc...), các sự kiện này đều tập trung ở thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước, do đó công tác bảo vệ gặp không ít khó khăn, phức tạp.

2. Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và những nguy cơ tiềm ẩn trong nước nêu trên là thách thức lớn đòi hỏi công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 phải huy động được nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng CAND giữ vai trò nòng cốt.

Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 gồm 5 Tiểu ban (Nội dung, Lễ tân, An ninh - Y tế, Vật chất - Hậu cần, Văn hóa - Tuyên truyền) và Ban Thư ký, trong đó Tiểu ban An ninh - Y tế do Bộ Công an chủ trì (Tổng cục An ninh I được giao nhiệm vụ thường trực Tiểu ban).

Nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho các hội nghị, sự kiện, các hoạt động bên lề diễn ra tại Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, lực lượng Công an từ Bộ đến địa phương, đặc biệt là Công an các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2010, cần thống nhất nhận thức tư tưởng và chủ động, tích cực triển khai các mặt công tác sau đây:

Trước hết, cần tăng cường các biện pháp nắm tình hình, chủ động nắm tình hình từ xa, từ cơ sở, kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; hoạt động phá hoại, khủng bố của các cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế, tổ chức phản động lưu vong người Việt, số cực đoan chống đối trong tôn giáo, dân tộc, cơ hội chính trị.

Phải triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, từ đó tạo thế "an ninh chủ động"; quản lý chặt chẽ các hệ, loại đối tượng theo chuyên đề, nhất là số đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan trong tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện chây lỳ, không để số này móc nối các đối tượng, phần tử xấu trong và ngoài nước tuyên truyền xuyên tạc tình hình tại Việt Nam và có những hoạt động chống đối khác; theo sát hoạt động của phóng viên báo chí nước ngoài, các đối tượng thường trú, lâm thời trọng điểm trên những địa bàn diễn ra các hoạt động của năm ASEAN 2010.

Trung tướng Hoàng Đức Chính - Thường trực Tiểu ban An ninh - Y tế ASEAN 2010 trình bày các phương án bảo vệ.

Triển khai các phương án bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ, đại biểu cấp cao các nước tham dự Hội nghị và các sự kiện bên lề. Các công tác bảo vệ phải đảm bảo thống nhất, thông suốt, sát hợp với đặc điểm địa bàn và tình hình thực tế với sự phân công, phân cấp rõ ràng. Xác định rõ phạm vi trách nhiệm giữa các đơn vị, thống nhất chủ trương, chỉ đạo.

Hội nghị diễn ra tại địa phương nào thì Công an địa phương đó chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ, các lực lượng của Bộ hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ. Tiến hành khảo sát kỹ các địa bàn bảo vệ, bao gồm khảo sát toàn bộ khu vực diễn ra Hội nghị, sự kiện cùng các khu vực lân cận; chú ý các khách sạn là nơi ăn, nghỉ, các tuyến đường đi lại của các đoàn đại biểu.

Tổ chức tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; kiểm soát và điều hành mọi hoạt động của các phương tiện giao thông, nhất là những trục đường chính, các tuyến xe đại biểu đi qua.

Tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu; quản lý, xử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy và công tác phòng cháy, chữa cháy. Từ kết quả khảo sát, xây dựng và tổ chức thực hành các phương án, kịch bản bảo vệ cụ thể, nhất là phương án phòng, chống khủng bố, cháy, nổ; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, triển khai các hệ thống kỹ thuật đặc biệt phục vụ công tác nghiệp vụ trong thời gian diễn ra các hội nghị, sự kiện, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh nhằm phát hiện những đối tượng khủng bố, nghi khủng bố, phản động lưu vong người Việt, các đối tượng chống đối... nhập cảnh hoạt động chống phá; xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy chế xuất nhập cảnh, vi phạm pháp luật.

Phối hợp với các lực lượng Quân đội, Hải quan, An ninh hàng không bảo vệ an toàn sân bay, bãi đỗ chuyên cơ và các chuyến bay quốc tế, nhất là những chuyên cơ chở các nguyên thủ đến dự Hội nghị cấp cao. Đảm bảo an toàn, thuận lợi cho đại biểu và hành lý của các đoàn khi nhập cảnh, xuất cảnh.

Phối hợp với UBND TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và các địa phương nơi diễn ra hội nghị, sự kiện, tăng cường công tác đảm bảo TTATXH; tổ chức tấn công, truy quét các đối tượng hình sự nguy hiểm, các băng, nhóm lưu manh chuyên nghiệp; giải quyết tốt những mâu thuẫn, phức tạp liên quan đến các vấn đề khiếu kiện, tôn giáo, dân tộc, đình công, không để trở thành "điểm nóng", không để quần chúng kéo về các thành phố gây mất an ninh, trật tự.

Với những vấn đề chưa thể giải quyết ngay phải có phương án kiềm chế phong tỏa, không để các đối tượng lợi dụng xuyên tạc, kích động gây phức tạp thêm; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh phục vụ năm ASEAN 2010.

Công tác chỉ huy, chỉ đạo thống nhất tập trung các đầu mối, xử lý mọi thông tin liên quan công tác đảm bảo an ninh; kịp thời truyền đạt ý kiến chỉ đạo của người chỉ huy đến các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Trong những ngày diễn ra các hội nghị, sự kiện phải phân công trực lãnh đạo, chỉ huy. Đối với các đơn vị chiến đấu trước và trong thời gian diễn ra hội nghị phải bố trí đủ lực lượng, phương tiện ứng trực, đảm bảo giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả nếu có tình huống phức tạp xảy ra. Ở từng vị trí, địa bàn bảo vệ, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc.

Lực lượng CAND quyết tâm đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện trong năm ASEAN 2010 ở Việt Nam, góp phần vào thành công chung, khẳng định sức mạnh và niềm tin mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó, qua đó tạo dấu ấn đậm nét về một nước Việt Nam đang lớn mạnh, năng động, thông thoáng, cởi mở nhưng chặt chẽ về an ninh, trật tự, đóng góp vào sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và thế giới

H.Đ.C. - ANTG 948
.
.
.