Đại biểu tranh luận việc có hay không lao động nữ trên 35 tuổi bị sa thải tràn lan

Thứ Tư, 01/11/2017, 14:19
Việc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phủ nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp sa thải lao động nữ trên 35 tuổi đã khiến nhiều đại biểu đến từ Đồng Nai – nơi tập trung rất nhiều khu công nghiệp thu hút lượng công nhân lớn, phải tranh luận lại.

Tranh luận với đại biểu (ĐB) Lợi – người cho biết đã dẫn đầu đoàn giám sát tại 4 tỉnh/thành phố về vấn đề này, ĐB Bùi Xuân Thống - Đồng Nai “bày tỏ sự nhất trí đối với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thất nghiệp ở độ tuổi sau 35” và “mong Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo khảo sát” vì vấn đề không phải chỉ do người lao động như ĐB Bùi Sỹ Lợi có nói.

“Hiện nay, pháp luật lao động quy định doanh nghiệp được ký 2 lần với hợp đồng từ 1-3 năm, lần thứ 3 là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn, nên thường hết 6 năm doanh nghiệp sẽ dừng, không ký tiếp. Đó là do chi phí về tiền lương trả cao thêm” – ĐB nêu rõ.

“Ở đây, chúng ta phải thấy thêm một vấn đề, hiện tượng này rớt vào nhóm lao động phổ thông và nhóm ngành nghề dệt may, giầy da là chủ yếu. Về pháp luật thì không sai, nhưng về mặt hậu quả xã hội thì sẽ rất phức tạp, vì khi có người thất nghiệp sẽ tạo gánh năng lên quỹ bảo hiểm thất nghiệp, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội. Vấn đề nữa là sau độ tuổi 35, 40 đối với nữ thì hết sức khó tìm việc, ảnh hưởng tới vấn đề đào tạo, đào tạo lại của chúng ta - nhất là khi ước kết quả thực hiện năm 2017 thì tỷ lệ lao động được đào tạo từ 3 tháng trở lên mới khoảng 22%. Hậu quả về mặt xã hội rất lớn, tôi đề nghị phải quan tâm vấn đề này”.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai)

ĐB cũng cho rằng khảo sát tỷ lệ DN ít như ĐB Lợi nói là chưa đầy đủ. “Tôi đã có 5 năm làm trong nghề cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động rộ lên gần đây, nhưng thực ra không phải mới, đã diễn ra cách đây hơn 10 năm. Tuy vậy, thời điểm từ năm 2000 - 2005 chúng ta còn đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong ngành may, nên tình trạng nhảy việc là có, vì DN mới vào cũng muốn thu hút lao động có tay nghề. Tới nay, sau 10, 12 năm thì vấn đề công nhân lớn tuổi bị sa thải bắt đầu hiển hiện.

Cũng đến từ đoàn ĐBQH Đồng Nai (nơi thu hút rất nhiều DN FDI), ĐB Nguyễn Thị Như Ý cũng tranh luận với ĐB Bùi Sỹ Lợi về chuyện ĐB cho rằng nguyên nhân chấm dứt hợp đồng là đến từ phía người lao động. “Tôi đồng ý với ý kiến của ĐB Ngọ Duy Hiểu, vì thực tế ở Đồng Nai cũng như các địa phương khác, tỷ lệ lớn người lao động chấm dứt hợp đồng lao động từ phía người sử dụng lao động. Bên cạnh lý do thay đổi công nghệ, máy móc, cơ cấu lại lực lượng lao động, thì người sử dụng cũng không muốn sử dụng lao động lớn tuổi làm việc nhiều năm vì họ phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, và có thể do mắt mờ, tay yếu nên năng suất lao động cũng kém hơn người trẻ” – ĐB nêu thực tế.

“Việc chấm dứt hợp đồng lao động có thâm niên công tác từ 10-15 năm cho dù không trái với quy định của pháp luật lao động, nhưng cũng rất đáng lo ngại. Nghiên cứu của Viện công nhân, công đoàn của Tổng liên đoàn lao động qua khảo sát tại 64 doanh nghiệp của 6 tỉnh thành Bắc, Trung, Nam với 500 phiếu được khảo sát cũng cho kết quả như vậy. Thời gian qua chưa làm phát sinh tranh chấp lao động, nhưng về lâu dài thì việc này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội” – ĐB Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh.

Trao đổi lại với phản biện của các ĐB, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết đánh giá lao động thôi việc ngoài tuổi 35 của ông “xuất phát từ báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại phiên họp Thường vụ”. ĐB Lợi cũng bày tỏ “Tôi không kết luận là một số doanh nghiệp có tư tưởng đẩy lao động cao tuổi ra. Phải nói là rất nhiều doanh nghiệp cũng có tư tưởng đó (đẩy lao động lớn tuổi ra), nhưng không hoàn toàn tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Chúng ta đánh giá cho khách quan, tôi quan sát ở các địa phương và theo báo cáo thì tỷ lệ chiếm rất thấp và nữ cũng rất thấp”. 


Vũ Hân
.
.
.