Đại biểu Quốc hội tán thành phương án không lập Hội đồng Hiến pháp

Thứ Năm, 24/10/2013, 02:08
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có một quy trình thủ tục đặc biệt, khác với các luật khác. Tuyệt đại đa số nhân dân đều đồng tình với bản chất chế độ (Điều 2) và Đảng lãnh đạo (Điều 4), nhưng cần có cơ chế để nhân dân góp ý với Đảng, kiểm định vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ tốt hơn. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được xây dựng rất công phu, tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân. Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 23/10, đa số ý kiến đại biểu tán thành phương án không thành lập Hội đồng Hiến pháp...

Không quy định Hội đồng Hiến pháp là phù hợp

Về thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhiều đại biểu tán thành bản báo cáo giải trình, tiếp thu do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố trước Quốc hội hôm 22/10.

Ông Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho hay, Hội đồng Hiến pháp quy định tại Điều 120 dự thảo trình Quốc hội. Trong dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 2 phương án về cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Theo đó, phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Phương án 2 đề nghị cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, dự thảo đề xuất việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với chức năng chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.

Theo ông Lý, qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia cho rằng, việc bảo vệ Hiến pháp là một yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, phù hợp với nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, XI.

Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có ý kiến nhân dân, của một số cơ quan, tổ chức hữu quan và ý kiến chuyên gia về quy định Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo nhưng cần cân nhắc một số nội dung cụ thể về thẩm quyền, về tổ chức và hoạt động của cơ quan này, nhất là mối quan hệ giữa Hội đồng Hiến pháp với các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Tại kỳ họp thứ 5, kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu thì đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không thành lập Hội đồng Hiến pháp. Theo kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 5, có 216/357 đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 Điều 120 của Dự thảo trình Quốc hội (giữ nguyên như hiện hành, không thành lập Hội đồng Hiến pháp).

Vì vậy, ông Phan Trung Lý giải thích: Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy: “Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo”. 

Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các chuyên gia tán thành việc không quy định vấn đề này trong dự thảo Hiến pháp. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, giải trình của Ủy ban là hợp lý vì đây là vấn đề mới, phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

Giữ nguyên Hội đồng nhân dân

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đã nêu rõ về vai trò lãnh đạo của Đảng. “Tuyệt đại đa số nhân dân đều đồng tình và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đại biểu nói. Nhưng Đảng lãnh đạo cần có cơ chế để nhân dân góp ý với Đảng là hoàn toàn chính đáng. Trong đó có nêu “Đảng chịu trách nhiệm trước quyết định của mình”, thì dân hỏi “Vậy chịu trách nhiệm bằng cách nào?”. Đại biểu Minh đề nghị, cần có cơ chế  để nhân dân góp ý, để Đảng lãnh đạo tốt hơn là rất chính đáng nhưng tại dự thảo chưa được tiếp thu trọn vẹn.

Về Hội đồng nhân dân (HĐND), đa số các đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương quy định như hiện nay là phù hợp. Vì chính quyền cơ sở là hết sức quan trọng. Cần khẳng định ở đâu có tổ chức các cấp chính quyền, có HĐND thì phải có UBND. Đó là 2 thiết chế thi hành và giám sát. Chính quyền Nhà nước các cấp gắn với HĐND (4 cấp ở đô thị). Trong cơ chế nếu quyền lực HĐND giảm thì quyền lợi người dân sẽ khó được đảm bảo.

Có đại biểu phân tích, hiện nay để mô hình thôn, xóm phát huy hiệu quả thì quy mô xã, phường, các cấp như thế nào để hệ thống chính quyền phường, xã cũng xem xét lại. Có xã trên 2 ngàn dân, sức chiến đấu không mạnh mà ít nhất phải từ 5 đến 7 nghìn dân.

Đa số các đại biểu đều đồng tình cao với việc chính quyền địa phương như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, từ năm 1945 đến nay chưa có ảnh hưởng gì lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, thì không có lý do gì bỏ HĐND ở một số cấp. Mà nó rất hay, một cấp chính quyền không có cơ quan đại diện của người dân thì… không ổn. Và nên giữ nguyên, nếu bảo mang tính hình thức là không phải. Bảo nó không phát huy là không đúng, mà phải giao quyền cho họ…

Ông Bảo kiến nghị phải giữ nguyên HĐND. Cũng còn có những băn khoăn, vì đây là vấn đề mới và khó. Ta chưa có tổng kết cuối cùng về vấn đề này và cần có phương án khái quát nhưng có định hướng. Chính quyền vùng nông thôn nên tiếp tục như bây giờ, chính quyền đô thị khá chín muồi, phải sửa quận, huyện.

Một số đại biểu cho rằng, tới đây làm thí điểm chính quyền địa phương ở một số nơi thì rất lo ngại. Vì, sau khi sửa đổi Hiến pháp lại thí điểm chính quyền địa phương thì sẽ có nhiều khó khăn. Vì vậy, nên quy định luôn chính quyền địa phương gồm mấy cấp, nên gồm HĐND và UBND. Đề nghị đưa vào Hiến pháp: chính quyền có mấy cấp và có cơ quan nào, không để dây dưa, cứ chung chung thì rất khó…

Bổ sung hậu phương Công an

“Xây dựng lực lượng Công an, Quân đội chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại là không phù hợp nữa mà nên thay cụm từ “từng bước hiện đại” bằng cụm từ “hiện đại”. Có như vậy mới đảm bảo đủ sức bảo vệ đất nước ta”, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nêu quan điểm và được đa số các đại biểu đồng tình. Hiện đại không còn là xa vời nữa, là điều mong muốn nữa mà phải xây dựng “hiện đại” ngay.

Các đại biểu đề nghị, thêm Công an vào sau quân sự. Đại biểu Lê Đông Phong phân tích: Trước đây có một giai đoạn chúng ta phải vận dụng Luật Nghĩa vụ Quân sự vào nghĩa vụ Công an từ nguồn nghĩa vụ quân sự. Thực hiện nghĩa vụ này coi như không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau này có Luật Công an nhân dân mới có quy định cụ thể. Không quy định đây là nghĩa vụ hay là một nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự nên chính sách không rõ ràng.

Để dễ trong quản lý và thực hiện chính sách, các đại biểu đề nghị bổ sung (Điều 68) Công an vào sau hậu phương Quân đội. Bởi trên thực tế chúng ta có thực hiện chính sách hậu phương Công an nhưng chưa hiện hữu cụm từ này trong cách quy định của pháp luật. Công an có 14.000 liệt sĩ, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Chính sách quy tập hài cốt, chính sách với liệt sĩ Công an hy sinh cũng đã được thực hiện.

Ở TP Hồ Chí Minh, liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng hy sinh và vợ anh cũng mất để lại con nhỏ. Nhưng chưa có chính sách chính thức nào trong văn bản Nhà nước nói về hậu phương Công an. Trong khi đó, xác định Công an là lực lượng vũ trang. Để anh em thương binh, gia đình liệt sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ cũng được hưởng chính sách như với lực lượng vũ trang nói chung…

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): Không cần Hội đồng Bảo hiến

Hiến pháp lần này là Hiến pháp của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp quyền XHCN. Không phải là xây dựng một Hiến pháp để thay thế Hiến pháp năm 1992 mà tất cả những chủ thuyết của Hiến pháp năm 1992 vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tán thành cao với dự thảo này, từ tên gọi. Thể chế chính trị và bộ máy Nhà nước của chúng ta là một nguyên lý xuyên suốt: nhất nguyên không có đa Đảng, nhất thể không có 2 viện.

Về Hội đồng Bảo hiến, tôi đã phản đối ngay từ đầu. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về vấn đề này và Hội đồng Bảo hiến là đặc trưng nhất của chế độ phân quyền. Đối với những nước chế độ phân quyền lên đến cực điểm, thì Hội đồng Bảo hiến đó là nơi dung hòa các quyền lực của các đảng phái và các nhánh quyền lực để làm sao sự đối đầu giữa các nhánh quyền lực đó không phương hại đến lợi ích quốc gia. Hội đồng Bảo hiến không phải bảo vệ quyền lợi của người dân mà dung hòa sự đấu tranh quyền lực của các đảng phái chính trị.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội): Bỏ Hội đồng Hiến pháp là phù hợp

Đại hội 11 phân quyền cho chính quyền địa phương (không phải giao quyền). Có tính độc lập tương đối so với Trung ương, nên mới gọi là chính quyền địa phương. Không có nghĩa là Hội đồng + Ủy ban mà là tổ chức công quyền ở địa phương, có tính độc lập, tự chủ trong quản lý xã hội. Bỏ Hội đồng Hiến pháp tôi thấy phù hợp.

Về Nghị quyết thi hành Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013), hoàn toàn đồng tình. Vì các Hiến pháp trước (trừ năm 1946 không có nghị quyết), còn sau đó đều có Nghị quyết thi hành chứ không có Hiến pháp nào có hiệu lực ngay. Cũng có những nội dung có hiệu lực ngay, nhưng cũng có nội dung phải vài năm hoặc lâu hơn, cần có văn bản để luật hóa.

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.