Đại biểu Quốc hội nói gì về phiên trả lời chất vấn?

Thứ Tư, 20/11/2013, 20:02
Lần này, đại biểu Quốc hội đưa vấn đề rất trúng, đều phản ánh bức xúc, tồn tại, có chất vấn xoáy sâu vào trách nhiệm, giải pháp. Các vị Bộ trưởng tỏ ra nắm được vấn đề lĩnh vực mình quản lý, cũng đã có cách trả lời hướng vào câu hỏi. Cả 3 Bộ trưởng Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông đều đã nắm được chắc các nội dung mình phụ trách.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Nhiều chất vấn xoáy vào trách nhiệm, giải pháp

Bên lề Quốc hội, đại biểu Đinh Xuân Thảo thừa nhận, kỳ chất vấn này, các đại biểu hỏi đã gọn, rõ hơn và người trả lời cũng bớt sự lúng túng nhưng vẫn còn trả lời kiểu báo cáo thành tích...

- Chiều 20-11, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lần đầu trả lời chất vấn, ông có ý kiến gì?

Tôi theo dõi nhiều câu hỏi về thông tin truyền thông, nhất là công nghệ thông tin. Đây là vấn đề mới, so các nước thì Việt Nam đi sau nhưng phát triển rất nhanh, mạnh. Kèm theo tiến bộ cũng bộc lộ mặt trái, bị lợi dụng. Tôi thấy Bộ trưởng Son rất tâm huyết, nắm chắc lĩnh vực, biết được nguyên nhân của tình trạng này, đưa ra các hướng khắc phục. Tất nhiên, Bộ trưởng lần đầu chất vấn nên cách trả lời cần đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, rõ hơn. Tôi tin Bộ trưởng cầu thị, các ý kiến chất vấn, Bộ trưởng sẽ lĩnh hội để có giải pháp giải quyết tồn tại của ngành.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo

- Tức là đã rõ ý?

Mới đầu trả lời còn có chỗ dài dòng, chưa rõ nhưng với kinh nghiệm, Bộ trưởng sau đó trả lời gọn, rõ hơn.

- Theo dõi 3 Bộ trưởng đăng đàn cũng như câu hỏi chất vấn của các đại biểu, liệu yêu cầu hỏi thẳng đáp gọn đã đạt chưa?

Lần này, đại biểu Quốc hội đưa vấn đề rất trúng, đều phản ánh bức xúc, tồn tại, có chất vấn xoáy sâu vào trách nhiệm, giải pháp. Các vị Bộ trưởng tỏ ra nắm được vấn đề lĩnh vực mình quản lý, cũng đã có cách trả lời hướng vào câu hỏi. Cả 3 Bộ trưởng Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông đều đã nắm được chắc các nội dung mình phụ trách.

Tuy nhiên, phần nêu nguyên nhân, rồi hướng để khắc phục còn chưa rõ, đặc biệt có Bộ trưởng nói ý  như khi nói trách nhiệm của mình lại dẫn chiếu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tôi thấy nói như vậy không nên, bởi khi đại biểu đặt ra vấn đề thì họ đã hiểu có liên quan nhiều ngành, địa phương nhưng trách nhiệm chính. Nói như Bộ trưởng Cao Đức Phát rằng, cho dù việc này liên quan chỗ này chỗ kia nhưng trách  nhiệm chính thuộc Bộ trưởng NN, PTNN. Tôi thấy cách trả lời như vậy của bộ trưởng Cao Đức Phát là thỏa đáng.

- Như vậy, nhiều chất vấn trách nhiệm thuộc liên Bộ?

Có những vấn đề rộng, nhiều Bộ, ngành cùng giải quyết. Có điều, khi nói giải pháp thì chỉ ra những địa chỉ khác để đề nghị cùng phối hợp, còn lấn cấn trách nhiệm để quy cho người khác là không nên.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Nhiều điểm chưa thực sự sâu sát

-Theo dõi phiên chất vấn, ông đánh giá thế nào về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sáng 20-11?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Không biết có phải thời gian gấp gáp quá hay Bộ trưởng chưa quen với việc trả lời chất vấn trên hội trường mà tôi chưa hài lòng lắm với câu trả lời. Khi trả lời về những vướng mắc trong thực tiễn thì Bộ trưởng lại trả lời là sẽ nghiên cứu, sẽ đưa vào đề án… Cái quan trọng nhất là nhiệm kỳ đã qua được một nửa rồi, Bộ trưởng cần phải trình bày là trong nửa nhiệm kỳ ấy Bộ Nội vụ đã làm được những gì, trên thực tế đã giải quyết những vướng mắc tồn tại gì, nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại như thế nào. Trả lời của Bộ trưởng không trực tiếp đi sâu vào vướng mắc, bức xúc của đại biểu mà chỉ nói kế hoạch, dự kiến không thì chưa làm hài lòng cử tri.

- Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ liên quan đến tình trạng có đến 30% cán bộ công chức không làm gì hay những chính sách chưa phù hợp với viên chức? Ông đánh giá sao về vấn đề này?

 Nói về những chính sách cụ thể thì tất nhiên phải xem lại cái gì thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ. Có những chính sách phải thuộc cấp Chính phủ, có sự phối hợp của các Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Lao động… thì Bộ Nội vụ không thể tự quyết. Nhưng người ta chờ đợi Bộ Nội vụ phải chủ động nói lên là mình có biết vấn đề không, mình có chia sẻ không, mình có thấy phải chấn chỉnh hay không và tự Bộ đã chủ động đề xuất những gì với Chính phủ để giải quyết. Cái đó chúng tôi chưa thấy.

- Liên quan đến một vấn đề rất quan trọng trong phát triển đất nước là nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận được rất nhiều câu hỏi trong 2 buổi chất vấn. Ông có hài lòng với những gì Bộ trưởng đã trả lời trước Quốc hội và cử tri cả nước không?

Tôi vẫn còn rất băn khoăn. Nếu phần trả lời chất vấn chúng ta cũng lại nghe về chủ trương, chính sách, kế hoạch thì người ta không yên tâm được. Cái mà chúng tôi chờ đợi chính là Bộ NN& PTNT phải giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn. Ví dụ khi thương lái nước ngoài vào để lũng đoạn và gây khó khăn, thậm chí có hiện tượng lừa đảo với người nông dân thì Bộ NN & PTNT với chức năng của mình - không chỉ chịu trách nhiệm về nông nghiệp mà còn chịu trách nhiệm về nông dân nữa, phải chủ động làm việc với Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và kiến nghị với Thủ tướng để có chính sách bảo vệ người nông dân. Tôi chưa thấy điều ấy. Hay là mình nói về câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói là đã cố gắng nỗ lực giải quyết vấn đề vốn, tài chính cho nông nghiệp và nông thôn nhưng ở đây người ta băn khoăn là vốn đó có đến được trực tiếp người nông dân không hay khâu trung gian đã hưởng thụ hết? Người nuôi cá tra, trồng cây điều… đã nỗ lực tạo ra được sản phẩm trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trên thế giới, nhưng họ được hưởng bao nhiêu? Đó chính là điều cử tri và đại biểu Quốc hội muốn biết.

- Về mức độ thẳng thắn trong câu trả lời của các vị trưởng ngành, ông thấy việc chất vấn kỳ này có đạt được bước tiến nào hơn so với các kỳ trước hay không?

Chất vấn không thể nói là mỗi ngày một tiến được, mà nó là do tương tác của đại biểu và các Bộ trưởng trả lời, nó cũng tùy vấn đề, tùy tình hình. Mỗi lần chất vấn trên hội trường, đại biểu phải xác định trách nhiệm rất cao, phải hỏi cho chuẩn xác, cho rõ ràng, rành mạch. Nếu chưa được trả lời thỏa đáng thì tiếp tục hỏi. Ngược lại những người được chất vấn cũng phải chuẩn bị chu đáo. Qua 3 vị trả lời chất vấn tôi có cảm giác các Bộ trưởng vẫn còn chung chung, có vẻ không thực sự sâu sát với những vấn đề đang bức xúc của cuộc sống, của cử tri hiện nay.

Đại biểu Trần Du Lịch: Chúng ta quá kém trong đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Tất cả những gì về chính sách, cái chung hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cố gắng hết sức. Nhưng tôi cho rằng bài toán phát triển nông nghiệp nằm ngoài chức năng riêng của Bộ Nông nghiệp, mà phải là một chiến lược quốc gia, một đề án tổng thể quốc gia liên quan đến nhiều bộ ngành.

Đại biểu Trần Du Lịch

Công nghiệp chế biến thế nào, xây dựng những cứ điểm liên kết công – nông nghiệp thế nào. Rồi vấn đề làm sao đưa giá trị gia tăng lên. Rồi phương thức tổ chức sản xuất làm sao đưa công nghệ vào. Công nghệ sinh học làm được cái gì. Tôi cho rằng về phương diện đầu tư khoa học công nghệ đi vào nông nghiệp chưa hiệu quả. Tôi không đồng tình nói rằng hiện chúng ta bằng Thái Lan về con giống, cây giống. Còn lâu chúng ta mới bằng. Chúng ta giống gì cũng lấy từ Thái Lan về cả. Quả ổi cũng là giống Thái Lan. Thế thì làm sao ta xây dựng sản phẩm quốc gia được?

Đ.Minh - V.Hân (ghi)
.
.
.